Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em được xem là giải pháp hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe của trẻ, giúp giảm đi gánh nặng bệnh tật liên quan đến COVID-19 không chỉ trong giai đoạn hiện tại mà cả tương lai sau này.
Hướng tới bảo vệ nhiều đối tượng
Mới đây, Bộ Y tế có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn thuộc nhóm 6 tháng đến dưới 5 tuổi để chuẩn bị kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Việt Nam khi đủ căn cứ, cơ sở khoa học theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, tương tự như việc tiêm vaccine cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhiều phụ huynh có con từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi vẫn còn tâm lý lo ngại tác dụng phụ của vaccine do lứa tuổi này còn quá nhỏ.
[Bộ Y tế thông tin về việc thiếu vaccine COVID-19 Moderna cho trẻ em]
Chị Hà Minh Nguyệt (Hai Bà Trưng, Hà Nội, có con nhỏ 4 tuổi đang theo học trường mầm non công lập) cho biết lớp con chị mới thực hiện lấy ý kiến phụ huynh về việc tiêm vaccine COVID-19 cho con. Tuy nhiên, lớp có 42 cháu, có đến 39 phụ huynh không đồng ý tiêm cho con.
Nhiều phụ huynh chia sẻ con họ đã từng mắc COVID-19 nhưng biểu hiện rất nhẹ nên không cần thiết phải cho con tiêm vaccine, nhất là sau tiêm dễ có nhiều phản ứng xảy ra.
Theo Tiến sỹ, bác sỹ Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, mặc dù trẻ em có nguy cơ mắc bệnh nặng do mắc COVID-19 thấp hơn so với các nhóm tuổi khác, tuy nhiên, khi mắc COVID-19, trẻ cũng có đầy đủ các nguy cơ tiến triển bệnh nặng và biến chứng, mắc các tình trạng hậu COVID, đặc biệt là những trẻ có bệnh lý nền.
Khi trẻ được tiêm vaccine, nếu không may mắc COVID-19, biểu hiện bệnh sẽ nhẹ và ít biến chứng.
"Do đó, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 không chỉ có ý nghĩa phòng mắc bệnh mà còn là phòng các biến chứng mà COVID-19 có thể gây ra; hạn chế các tốn kém về mặt vật chất, phương tiện khi phải điều trị những trường hợp biến chứng nặng do COVID-19. Điều quan trọng nhất là phòng được nguy cơ tử vong có thể xảy ra. Việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm đối với những người xung quanh, những người sống cùng gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền. Ngoài ra, khi được tiêm chủng, trẻ sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động tại trường học, bên ngoài xã hội," Trưởng Khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn nhấn mạnh.
Tiến sỹ, bác sỹ Lê Kiến Ngãi cho rằng trẻ dưới 5 tuổi hiện có khá nhiều vaccine vi khuẩn, virus để bảo vệ cho trẻ.
SARS-Cov2 gây bệnh COVID-19 là một dạng virus nên về mặt lý thuyết hoàn toàn có thể có các vaccine cho những nhóm tuổi nhỏ hơn như nhóm từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi.
Tuy nhiên, việc triển khai tiêm vaccine lại hoàn toàn phụ thuộc vào hai yếu tố: tính hiệu quả và tính an toàn của vaccine phòng bệnh.
Chúng ta cần thiết phải có những bằng cớ chứng minh tính hiệu quả bảo vệ cũng như tính an toàn khi triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho nhóm tuổi nhỏ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi.
Khi có đủ cơ sở khoa học chứng minh, chúng ta mới có thể yên tâm tiêm vaccine cho nhóm trẻ này.
“Tấm khiên” bảo vệ
Việt Nam hiện có hai loại vaccine là Pfizer và Moderna được Bộ Y tế phê duyệt dùng để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mũi thứ nhất trẻ đã tiêm bằng vaccine nào, mũi thứ hai tiếp tục tiêm bằng vaccine đó.
Vaccine Pfizer, tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tiêm bắp với liều lượng 0,2ml.
Vaccine Moderna, tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi, với liều lượng 0,25ml. Hai mũi tiêm cách nhau 4 tuần.
Nếu trẻ đã mắc COVID 19 sẽ tiêm sau khi mắc 3 tháng.
Theo Tiến sỹ Ngãi, trước khi tiêm, trẻ sẽ được khám sàng lọc kỹ. Không phải tất cả trẻ em đều có thể tiêm vaccine phòng COVID-19. Theo đó, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có tiền sử phản vệ với vaccine phòng COVID-19 hoặc các thành phần của vaccine sẽ thuộc nhóm chống chỉ định tiêm chủng.
Trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển hoặc các vấn đề khác như đang có sốt, tình trạng nhiễm trùng, trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như đang hóa trị ung thư... cần trì hoãn cho đến khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính, mạn tính, hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính.
Các trường hợp cần thận trọng trong tiêm chủng là nhóm trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; bé rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lý đám đông, tăng động, giảm chú ý...
Sau khi tiêm chủng, phụ huynh cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có.
Khi về nhà, cha mẹ, người chăm sóc trẻ tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ trong 28 ngày, đặc biệt là trong vòng 7 ngày sau tiêm, trong đó theo dõi sát trẻ trong 3 ngày đầu.
Tiến sỹ Lê Kiến Ngãi cho rằng cùng với các biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu như vệ sinh tay; vệ sinh các bề mặt trong các môi trường tập thể; luôn luôn đảm bảo môi trường sống thông thoáng, không bí, quẩn, nhất là trong môi trường có nhiều người cùng sinh hoạt...; thực hiện việc nâng cao thể trạng, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ; cho trẻ đi tiêm chủng các loại vaccine theo lứa tuổi đã được khuyến cáo.
Các bậc phụ huynh cần quan tâm, theo dõi các bệnh nền, mãn tính của trẻ và tuân thủ các chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 đối với các vaccine sẵn có cho các nhóm trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi cũng như sau này nếu có các vaccine cho nhóm trẻ nhỏ.
Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta trở lại cuộc sống bình thường, việc tuân thủ tiêm vaccine, có nhiều người được phòng bệnh bằng vaccine trong đó có cả trẻ em càng hết sức quan trọng, giúp tạo ra một “tấm khiên bảo vệ” để chống lại sự tấn công của virus SARS-CoV-2, Tiến sỹ, bác sỹ Lê Kiến Ngãi nhấn mạnh./.