Vận chuyển thêm 4 đoàn tàu tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên về Việt Nam

Trong hai ngày 7-8/12, Ban Quản lý đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhà thầu đưa thêm 4 đoàn tàu tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) cập cảng Khánh Hội (Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh).
Vận chuyển thêm 4 đoàn tàu tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên về Việt Nam ảnh 1Công tác cẩu toa xe từ tàu xuống xe chuyên dụng để vận chuyển về depot Long Bình trong đợt vận chuyển đoàn tàu vào tháng 7. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong hai ngày 7-8/12, Ban Quản lý đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhà thầu đưa thêm 4 đoàn tàu tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) cập cảng Khánh Hội (Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh).

Các đoàn tàu này sẽ lần lượt được vận chuyển về depot (nơi tập kết container, hàng hóa) Long Bình trong khoảng 10 ngày tới.

Tàu vận chuyển các đoàn tàu số 8 và số 9 rời Nhật Bản từ ngày 20/11 và dự kiến cập cảng Khánh Hội vào 28/11. Trong khi tàu vận chuyển đoàn tàu số 10 và số 11 rời Nhật Bản từ 24/11. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết xấu trên biển nên tàu vận chuyển phải lưu đậu tránh trú trên đường. 

Trong ngày 7/12, việc bốc dỡ đoàn tàu số 8 và số 9 lên cầu cảng Khánh Hội và đưa vào khu vực lưu trữ được thực hiện.

Trong khi đó, hiện tàu vận chuyển đoàn tàu số 10 và số 11 đã ở khu vực hoa tiêu Vũng Tàu, chờ cập cảng Khánh Hội và bốc dỡ lên cầu cảng trong ngày 8/12.

Theo kế hoạch, 4 đoàn tàu này sẽ lần lượt được vận chuyển về depot Long Bình (thành phố Thủ Đức) và nâng hạ lên đường ray từ ngày 10-17/12. 

[Dự án tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên đang bị chậm tiến độ]

Ông Hoàng Mai Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án số 1 (Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết việc đưa các đoàn tàu về sau giai đoạn giãn cách xã hội là tín hiệu đáng mừng cho dự án metro số 1.

Sau đợt dịch COVID-19 vừa qua, Ban Quản lý đường sắt đô thị và các nhà thầu đẩy nhanh tối đa các công việc, khôi phục lại tiến độ dự án, cố gắng đạt mức tối đa như trước đợt dịch để hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất.

Từ năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiến độ dự án, nhất là việc nhập cảnh của chuyên gia do giới hạn di chuyển, cách ly dài ngày. Việc vận chuyển, sản xuất vật tư thiết bị ở nước ngoài và nhập về Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hiện Ban Quản lý đường sắt đô thị cùng tư vấn, nhà thầu đang đánh giá lại những tác động của dịch đến dự án, trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ các công việc cụ thể để đẩy nhanh tối đa việc thực hiện dự án.

Hiện, tổng tiến độ của dự án đạt 88,22%. Cụ thể, gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt 93%; CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 98%; CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt 94%; CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 74%.

Năm 2022, Ban Quản lý đường sắt đô thị sẽ đẩy nhanh công tác hoàn trả toàn bộ mặt bằng khu vực trung tâm thành phố như Công viên 23/9, trước chợ Bến Thành, đường Lê Lợi… để thành phố khôi phục cảnh quan.

Cùng với đó, Ban Quản lý cũng đặt mục tiêu hoàn thành nhập khẩu toàn bộ 17 đoàn tàu của dự án, để công tác vận hành chạy thử đoạn trên cao được đúng kế hoạch.

Tuyến metro số 1 có 17 đoàn tàu; trong đó, giai đoạn đầu là tàu loại 3 toa xe và sau này là loại 6 toa xe, đều sản xuất tại Nhật Bản.

Mỗi đoàn tàu 3 toa ráp hoàn chỉnh dài 61,5 m, chở được 930 khách (đứng, ngồi) với tốc độ 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm).

Đoàn tàu được thiết kế có hệ thống điều hòa không khí, hệ thống điều khiển chạy tàu thông qua vô tuyến, hệ thống vận hành tàu tự động, trên toàn tuyến có hệ thống theo dõi chạy tàu tự động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục