Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 25/10 nhận định: tiến trình đàm phán Mỹ-Trung ngưng trệ sẽ đe dọa đến cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra vào tháng tới bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tổ chức tại Buenos Aires.
Dẫn phát biểu của nhiều quan chức giấu tên ở cả hai nước, WSJ cho rằng Mỹ sẽ từ chối nối lại đàm phán thương mại với Trung Quốc cho đến khi nước này đệ trình một đề xuất cụ thể giải quyết những khúc mắc của Washington về việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ và các vấn đề kinh tế khác.
Hai bên từng hy vọng cuộc gặp Trump-Tập sắp tới sẽ giúp giảm căng thẳng thương mại. Giới doanh nghiệp Mỹ đồn đoán lần tiếp xúc này sẽ tạo ra chuyển biến tích cực, khiến chính quyền Trump ngừng kế hoạch đánh thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/1/2019.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng tiết lộ: “Nếu Trung Quốc muốn cuộc gặp Trump-Tập mang lại kết quả, chúng tôi cần phải làm công tác chuẩn bị. Và nếu họ không trao cho chúng tôi thông tin, sẽ thật khó để đoán biết triển vọng thành công của cuộc gặp.”
Với Bắc Kinh, việc đưa ra một đề xuất chính thức ẩn chứa nhiều rủi ro. Trước hết, nó bộc lộ vị thế đàm phán yếu của Trung Quốc. Kế đến, Bắc Kinh lo sợ Trump có thể sẽ công bố công khai qua mạng xã hội twitter một đoạn thông báo nào đó như là lời "đóng đinh" về nhượng bộ mà Trung Quốc phải chấp nhận.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho biết Bắc Kinh muốn có nhiều cuộc thảo luận trước khi có thể đưa ra một đề xuất cụ thể. Theo ông, Bắc Kinh e ngại đàm phán với chính quyền Mỹ bởi Trump từng từ chối một vài đề xuất mà Trung Quốc nêu ra dù trước đó đã được các nhà đàm phán cấp cao Mỹ ngầm xác nhận rằng Trump sẽ chấp thuận.
Ông nói: “Không thể có một thỏa thuận chính thức vào ngày hôm nay để rồi lại phủ nhận ngay ngày hôm sau.”
[Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Nhiều nguy cơ đổ vỡ]
Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, cho biết tại các cuộc tiếp xúc với giới quan chức cấp cao Trung Quốc gần đây, ông đã hối thúc Bắc Kinh đưa ra một đề xuất bằng văn bản.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc không sẵn sàng thực hiện bước đi này và muốn có được “một bảo đảm” từ phía Mỹ rằng nếu Bắc Kinh làm vậy, Washington sẽ giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Quan chức Mỹ không cho thấy bất kì sự sẵn lòng nào đối với ý tưởng này.
Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ hướng lái mục đích đàm phán, tìm cách có được cam kết từ Trump trong cuộc gặp mặt với Tập Cận Bình.
Một quan chức cấp cao tại Nhà Trắng cho biết việc này sẽ đưa đến một thỏa thuận kiểu “cam kết một số thứ nghe có vẻ hay, nhưng chẳng có ý nghĩa gì,” đồng thời tiết lộ Trump sẽ không rơi vào “bẫy kiểu như vậy.”
Kể từ tháng 3/2018, Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận để tìm kiếm thỏa thuận. Tại vòng đàm phán ở Bắc Kinh hồi tháng 5/2018, Mỹ trao cho Trung Quốc “bản yêu sách 8 điểm”, bao trùm các lĩnh vực.
Từ 8 điểm này, phía Trung Quốc phân thành 142 tiểu mục cụ thể, đặt vào 3 tiêu chí. Theo đó, có 30-40% yêu cầu của Trung Quốc có thể được đáp ứng ngay, 30-40% yêu cầu cần đàm phán kéo dài và khoảng 20% là không thể đàm phán vì liên quan đến an ninh quốc gia hay các vấn đề nhạy cảm khác.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không tiết lộ cụ thể danh mục của 3 cấp độ này, thay vào đó chỉ đề cập đến “khái niệm chung.”
Mỹ đã lên tiếng phản đối. Một quan chức Nhà Trắng nói: “Hãy đưa chúng tôi danh sách nhượng bộ, nếu không sẽ không có đàm phán từ nay cho đến hội nghị G-20.”
Những yếu tố trên đây khiến đàm phán giữa hai bên lâm vào bế tắc. Bất kỳ cuộc đàm phán được nối lại nào cũng sẽ phải đối diện với nhiều thách thức.
Đơn cử như việc Mỹ đang tìm cách ép Trung Quốc tuân thủ một thỏa thuận nào đó có thể đạt được, bao gồm điều khoản giữ nguyên một mức áp thuế nhất định cho đến khi Trung Quốc thực hiện triệt để cam kết. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể áp thuế mạnh nếu Trung Quốc không tuân thủ thỏa thuận./.