Mặc dù Tết Nguyên đán đang đến rất gần nhưng đến thời điểm này vé tàu xe vẫn còn khá nhiều. Tuy kế hoạch chạy tàu xe đã giảm so với mọi năm, nhưng năm nay bởi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên nhu cầu đi lại của người dân không cao.
Do phần lớn học sinh, sinh viên ở các tỉnh, thành phố đều đã ở quê từ trước, cộng với lượng lớn người lao động, nhất là lao động tự do đã rời Thành phố Hồ Chí Minh nên nhu cầu đi lại dịp Tết giảm mạnh.
Theo Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đã xây dựng phương án và phối hợp vận chuyển số lượng lớn người dân các tỉnh, thành phố có nguyện vọng về quê trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Cụ thể, đơn vị đã tổ chức 212 đợt, đưa 55.371 người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh trở về địa phương 47 tỉnh, thành phố.
Trên thực tế, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, lượng hành khách đi lại trên các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô tại các bến xe đã sụt giảm nhiều. Từ ngày 13/10 đến hết ngày 31/12/2021, lượng hành khách đi lại thông qua các bến giảm 95% so với cùng thời gian năm 2020 và giảm 98% so với ngày thường trước dịch bệnh (số liệu năm 2019).
Ghi nhận tại các bến xe hiện nay, lượng khách đến mua vé khá thưa thớt. Theo phân tích của các bến xe khách liên tỉnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu đi lại của hành khách dịp Tết có sự thay đổi lớn vì ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài.
Thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh nên việc di chuyển về quê đón Tết của người lao động cũng bị ảnh hưởng theo. Hiện nay, quy định quản lý người dân di chuyển có sự khác nhau giữa các địa phương khiến nhiều hành khách ngần ngại không đặt mua vé dù có nhu cầu.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là sự xuất hiện biến chủng Omicron nên tâm lý của hành khách còn e ngại, hạn chế di chuyển. Do vậy, việc dự báo kế hoạch Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 gặp nhiều khó khăn.
Tại Bến xe miền Tây, trên cơ sở phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán 2021 và tình hình hành khách đi lại hiện nay, dự báo sản lượng hành khách trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 giảm 30-40% so với cùng kỳ năm trước, lượng khách chủ yếu tập trung từ ngày 26-29 tháng Chạp.
Ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe miền Tây, cho biết do đặc thù chủ yếu phục vụ các chặng ngắn nên lượng khách mua vé thường tập trung vào những ngày cận Tết. Dù vậy, năm nay sản lượng hành khách dự báo sẽ giảm mạnh so với những năm trước.
Hiện lượng khách di chuyển qua bến chỉ đạt khoảng từ 15-20% so với trước đây. Hy vọng, dịp Tết sẽ đạt khoảng từ 60-70% so với Tết năm 2021. Hiện cũng chưa có doanh nghiệp nào đăng ký điều chỉnh giá vé dịp Tết.
Trong khi đó, những ngày qua, hành khách đến mua vé cũng khá thưa thớt, một phần do lượng hành khách có nhu cầu đi lại ít, đồng thời nhiều nhà xe cũng mở bán vé trực tuyến. Lượng hành khách đến bến xe mua vé hoặc tham khảo vé chỉ tăng nhẹ sau khi Thành phố Hồ Chí Minh trở thành vùng xanh, nhưng không đáng kể.
Theo ông Tạ Chương Chín, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Bến xe miền Đông, người dân đã về quê qua đợt dịch COVID-19 và lượng sinh viên, học sinh ở quê cũng đông.
Thời điểm này, xe xuất bến chỉ bằng 30% so với cùng kỳ, hành khách đạt chưa tới 15%. Vé Tết bán ra khá chậm, bình quân mỗi xe chỉ từ 7-8 khách. Dự báo, Tết Nguyên đán năm nay công suất chỉ đạt khoảng 60% so với năm trước.
Theo quy định, doanh nghiệp được điều chỉnh áp dụng giá vé không quá từ 40-60% tùy chặng đường, thời gian để bù chiều xe chạy rỗng.
Đối với ngành đường sắt, năm nay số lượng các đôi tàu phục vụ dịp Tết Nguyên đán giảm nhiều, nhưng đến nay vé Tết vẫn còn khá nhiều dù đã mở bán từ giữa tháng 11/2021. Những ngày gần đây, nhận thấy nhu cầu đi lại tăng lên, ngành đường sắt đã tổ chức chạy thêm nhiều đôi tàu, chuyến tàu như chặng Sài Gòn-Nha Trang; Sài Gòn - Phan Thiết; Sài Gòn - Quy Nhơn; Sài Gòn - Quảng Ngãi; chặng Sài Gòn-Hà Nội…
[Vé máy bay Tết dồi dào và giá thấp, tàu hỏa mới bán được gần 15%]
Trên hệ thống bán vé www.dsvn.vn và các ứng dụng mua vé khác như ví điện tử, app ngân hàng hiện còn khá nhiều vé tàu gồm cả vé giường nằm và ghế ngồi, nhất là chặng dài Sài Gòn-Hà Nội nhưng mức giá vé vẫn khá cao.
Giai đoạn từ 25/1 (23 tháng Chạp) trở lại, giá vé giường nằm khoang 4 giường dao động mức trên 2 triệu đồng/vé, trong khi vé ghế ngồi mềm điều hòa khoảng 1,7 triệu đồng/vé (tùy mác tàu) cho chặng Sài Gòn-Hà Nội. Từ 26/1 trở đi, mức giá tăng dần, giường nằm 4 khoang lên tới khoảng 2,6 triệu đồng/vé, ghế ngồi mềm điều hòa trên 2 triệu đồng/vé…
Ở lĩnh vực hàng không, hệ thống website bán vé của các hãng hàng không vẫn còn nhiều vé dịp Tết, thậm chí một số chặng bay có vé cận Tết khá rẻ; trong đó, chặng Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội vé ngày 27-28 tháng Chạp vẫn có vé từ 1,7 triệu đồng/vé của hệ thống Vietnam Airlines; Vietjetair có giá thấp nhất khoảng 1,3 triệu đồng/vé đã bao gồm thuế phí.
Bà Nguyễn Thu Huyền, Phòng vé Thiên Minh (thành phố Thủ Đức) chia sẻ, sau khi Thành phố Hồ Chí Minh trở thành vùng xanh, lượng người mua vé về Tết tăng vọt. Một số chặng bay như Thành phố Hồ Chí Minh-Vinh (Nghệ An) đã “cháy vé” những ngày cận Tết, hay như chặng Thành phố Hồ Chí Minh-Chu Lai cũng chỉ còn vé hạng thương gia… Tuy nhiên, chặng phổ thông như Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội, vé khá dồi dào, đa dạng thời gian để hành khách lựa chọn.
Về giá vé, theo bà Huyền, so với mọi năm thì giá vé chặng bay Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội “giảm nhiệt” rất nhiều, trong khi chặng về các tỉnh giá vé vẫn ở mức cao vì số lượng vé không nhiều./.