Vi phạm trật tự xây dựng tại TP Hồ Chí Minh: Bao giờ chấm dứt?

Điểm qua một số vụ nổi cộm gần đây cho thấy, thái độ bất hợp tác, chây ỳ, xem thường pháp luật của doanh nghiệp vi phạm xây dựng đang có chiều hướng gia tăng.
 Vi phạm trật tự xây dựng tại TP Hồ Chí Minh: Bao giờ chấm dứt? ảnh 1Khu phức hợp Dragon Riverside City quận 5 xây dựng sai phép. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, bình quân mỗi ngày trên địa bàn thành phố xảy ra 5,4 vụ vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế có lẽ con số này chưa phản ánh đúng bức tranh vi phạm xây dựng tại thành phố vốn đang diễn biến phức tạp, không chỉ rải đều ở các địa bàn mà còn các nhà ở riêng lẻ của người dân cũng như các dự án lớn của doanh nghiệp.

Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, nhiều lần xử phạt, nhưng tiếc thay có không ít chủ đầu tư vẫn phớt lờ, cố tình chây ỳ...

Điểm qua một số vụ nổi cộm gần đây cho thấy, thái độ bất hợp tác, chây ỳ, xem thường pháp luật của doanh nghiệp đang có chiều hướng gia tăng. Đơn cử tại quận 2, Thanh tra Sở Xây dựng thành phố phối hợp với Ủy ban Nhân dân phường Bình Khánh kiểm tra và phát hiện công trình xây dựng tại chung cư Khởi Thành (tên thương mại là Paris Hoàng Kim) do Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Kinh doanh Khởi Thành làm chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng. Mặc dù biên bản làm việc thể hiện rõ việc xây dựng sai phép, nhưng khi trả lời phóng viên, công ty lại cho rằng không sai, việc kiểm tra của cơ quan chức năng là nhất thời.

[Xử lý nghiêm Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức xây công trình không phép]

Hay như tại huyện Bình Chánh, Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Phong Phú được giao làm dự án Khu công nghiệp Phong Phú, thay vì tập trung nguồn lực triển khai dự án thì công ty lại ký hợp đồng với một số công ty để bảo vệ, quản lý tài sản, nhưng lại phó mặc cho các công ty cho thuê lại mặt bằng, dẫn tới việc lấn chiếm xây dựng công trình không phép.

Nhiều lần cơ quan chức năng của thành phố làm việc, nhưng lãnh đạo Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Phong Phú cố tình né tránh, không hợp tác buộc cơ quan chức năng phải quyết định cho ngừng hoạt động đầu tư tại dự án, giữ nguyên hiện trạng đất.

Còn tại quận quận 12, việc xử lý căn nhà mẫu dự án khu nhà ở Gò Sao (tên thương mại là Picity High Park) do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư phát triển Gia Cư thuộc Tập đoàn Pigroup làm chủ đầu tư dây dưa đến mức khó hiểu.

Trong khi ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 12 ký công văn cho phép Công ty này được xây dựng thi công tạm nhà mẫu, nhưng sau đó ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 12 lại ký quyết định cưỡng chế buộc phải tháo dỡ công trình vì xây dựng không có giấy phép.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân quận 12 đã sử dụng kinh phí nhà nước, tổ chức lực lượng cưỡng chế, nhưng sau đó lại “về tay không” vì chủ đầu tư viện dẫn lý do dự án vừa được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư và Bộ Xây dựng có văn bản xác định việc tồn tại căn nhà mẫu mà không cần giấy phép xây dựng.

Với các quyết định "tiền hậu bất nhất" khiến dư luận đặt câu hỏi về việc vận dụng các quy định của pháp luật của chính quyền địa phương liệu có vấn đề. Trong khi quyết định cưỡng chế còn hiệu lực, nhưng căn nhà mẫu vẫn mặc nhiên tồn tại như một sự thách đố cơ quan quản lý nhà nước.

Thậm chí tại quận 5, hơn 10 năm qua, cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm giải pháp xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tại 51 Nguyễn Chí Thanh, phường 9 do Công ty trách nhiệm hữu hạn Kinh doanh bất động sản Mai Hoàng làm chủ đầu tư. Lực lượng chức năng đã xử phạt, ra quyết định cưỡng chế, đình chỉ thi công, đình chỉ hoạt động, tước giấy phép xây dựng, di dời hộ dân ra khỏi công trình vi phạm, lập phương án tháo dỡ công trình vi phạm.

Tại dự án, công ty đã xây dựng sai giấy phép, tăng diện tích sàn xây dựng tại tầng 1, tầng 6, lắp dựng mặt đứng phía trước làm tăng chiều cao công trình 9,4m. Đến tháng 11/2019, chủ đầu tư chỉ mới tháo dỡ xong vách tường bên hông tại lầu 10. Bế tắc trong xử lý, Ủy ban Nhân dân quận 5 đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố ngừng hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp.

Một vụ việc khác lại thể hiện thái độ "vô pháp" của doanh nghiệp tại Trung tâm tiệc cưới Riverside Place, địa chỉ 360-360D Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4. Khu đất rộng 4.600m2 này vốn dĩ được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Khánh Hội thuê làm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê.

Sau đó, Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Lâu Đài Ven Sông xây dựng thành Trung tâm tiệc cưới Riverside Place, lực lượng chức năng quận 4 phát hiện việc cơi nới, xây dựng không phép và đã lập biên bản vi phạm hành chính, nhiều lần ra thông báo chủ đầu tư tháo dỡ, thậm chí ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn không chịu chấp hành mà vẫn đưa vào sử dụng.

Tương tự là việc chây ỳ, bất chấp pháp luật tại khu phức hợp Dragon Riverside City tại 628-630 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã ký quyết định cưỡng chế toàn bộ tầng hầm B1, B2, tháo dỡ toàn bộ diện tích vi phạm tại tầng trệt các tháp A, B, C, D và nắp hầm mở rộng với tổng diện tích 9.700m2.

Trước đó, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với chủ đầu tư vì đã vi phạm trật tự xây dựng với số tiền phạt là 325 triệu đồng. Tuy nhiên, "điệp khúc" quen thuộc là chủ đầu tư không tự giác chấp hành tháo dỡ phần công trình vi phạm.

Tại hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn do Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức ngày 12/12, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố thừa nhận, mặc dù số lượng vi phạm trật tự xây dựng có giảm, nhưng nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhiều công trình vi phạm tồn tại lâu nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: “Việc này không thể chậm hơn nữa, nếu không sẽ để lại hậu quả ngày càng lớn hơn. Cấp ủy phải vào cuộc quyết liệt, nếu để xảy ra sai phạm thì cấp ủy phải chịu trách nhiệm. Bước sang năm 2020 không để vi phạm trật tự xây dựng gia tăng so với năm 2019.”

Còn theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Võ Văn Hoan, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng vi phạm trật tự xây dựng là do sự cố tình, “ăn xổi ở thì” làm ăn chộp giật của không ít doanh nghiệp. Một số chủ đầu tư không tuân thủ quy định của pháp luật, dù cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành các văn bản xử phạt.

Doanh nghiệp muốn sống khỏe, có sản phẩm đẹp ở thành phố thì phải làm đúng pháp luật. Tinh thần chung là thành phố sẽ quyết liệt với đầu nậu, doanh nghiệp làm ăn gian dối, cắt điện nước, cưỡng chế tài sản, thực biện biện pháp kinh tế, hình sự, kể cả việc cấm xuất cảnh đối tượng vi phạm mà không chịu chấp hành để không ảnh hưởng đến người dân cũng như diện mạo đô thị và sự phát triển của thành phố.

Rõ ràng những vi phạm trật tự xây dựng của doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án nhà ở tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng “nở rộ,” lực lượng chấp pháp tại đây đang “đau đầu” xử lý hành vi ngoan cố, dây dưa. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng thành phố cần kiểm tra, xử lý vi phạm ngay từ ban đầu với tinh thần bám sát địa bàn, kiên trì, quyết liệt. Có như vậy mới lặp lại trật tự xây dựng, tạo niềm tin trong nhân dân cũng như thể hiện kỷ cương phép nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.