Liên quan đến việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh thanh toán một lần cho nhà đầu tư với số tiền còn thiếu khoảng 460 tỷ đồng hoàn trả vốn đầu tư dự án trạm thu phí BOT Thanh Nê, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, ngân sách Trung ương hiện rất khó khăn để mua lại trạm thu phí này.
Theo ông, Bộ đã nhiều lần khẳng định chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) xuất phát từ lý do ngân sách nhà nước khó khăn, nếu có tiền thì đã đầu tư bằng nguồn ngân sách. Vì vậy, địa phương đề nghị Chính phủ hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thì lấy tiền từ nguồn nào trong bối cảnh khó khăn đó.
Để giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trước mắt các bên liên quan phải tiến hành rà soát lại hợp đồng, tính toán thời gian thu phí và ký các phụ lục hợp đồng tương ứng.
Về nội dung tỉnh Thái Bình đề nghị nếu không bố trí vốn ngân sách Trung ương thì địa phương cho phép Công ty cổ phần Tasco kéo dài thời gian thu phí đường bộ tại trạm thu phí Tân Đệ (cũng là trạm thu phí của nhà đầu tư này) với thời gian thu phí khoảng 2 năm để hoàn trả kinh phí cho nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, Bộ Giao thông không chấp nhận phương án này.
“Sẽ không có chuyện làm đường nơi này, đặt trạm thu nơi khác. Như vậy, việc thu phí tại trạm Tân Đệ để trả cho Thanh Nê là không phù hợp," Thứ trưởng Đông cho hay.
[Tỉnh Thái Bình đề nghị Nhà nước mua lại trạm thu phí Thanh Nê]
Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho “xóa bỏ” trạm thu phí BOT Thanh Nê (huyện Thái Thụy) thuộc dự án cải tạo, nâng cấp đường Quốc lộ 37B với lý do doanh thu thu phí thấp hơn nhiều so với phương án tài chính, dẫn đến không thể hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường Quốc lộ 37B theo hình thức BOT, đoạn từ thị trấn Thanh Nê đến thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình phê duyệt với tổng mức đầu tư 2.072 tỷ đồng, quy mô đường cấp ba đồng bằng, tổng chiều dài gần 29km.
Trong quá trình triển khai, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chỉ bố trí cho dự án đến hết năm 2016 là 1.437 tỷ đồng, trong khi nhà đầu tư và chính quyền địa phương đã tiến hành giải phóng mặt bằng và thi công dở dang toàn bộ dự án.
Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách của tỉnh hết sức khó khăn, không có khả năng bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án, đầu tháng 9/2014, tỉnh Thái Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi hình thức thực hiện dự án theo hình thức BOT kết hợp BT.
Ngày 16/12/2014, tỉnh đã có quyết định điều chỉnh, bổ sung dự án với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1.881 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách địa phương bố trí thêm 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, lại bổ sung thêm đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến cầu Diêm Điền, huyện Thái Thụy với tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng.
Sau đó, dự án này đã hoàn thành với tổng giá trị đầu tư 460 tỷ đồng, thời gian thu giá để hoàn vốn cho dự án là 18 năm. Để hoàn vốn cho dự án, tỉnh Thái Bình đã có quyết định cho phép nhà đầu tư được thu phí từ ngày 1/1/2017 và nhà đầu tư đã tổ chức triển khai thu phí với doanh thu bình quân 130 triệu đồng/ngày.
Tuy nhiên, sau khi tỉnh có chính sách miễn, giảm giá vé đường bộ cho toàn bộ các hộ dân và doanh nghiệp của hai huyện Kiến Xương và Tiền Hải nên doanh thu bình quân chỉ đạt khoảng 40 triệu đồng/ngày đêm, tương đương 14,6 tỷ đồng/năm.
Doanh thu này thấp hơn rất nhiều so với doanh thu theo phương án tài chính trong hợp đồng đã ký là 55,6 tỷ đồng/năm và với tình hình hiện nay thì dự án không thể hoàn được vốn./.