Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã lên phương án vay hơn 3.200 tỷ đồng vốn tín dụng của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cộng với gần 1.400 tỷ đồng vốn đối ứng của đơn vị ngành để thực hiện đầu tư các dự án đầu máy, toa xe mới từ nay đến năm 2020.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, ngành đường sắt hiện có hàng trăm toa xe, đầu máy đã quá hạn đăng kiểm, nhưng đây đều là các phương tiện đang chờ thanh lý hoặc chưa có nhu cầu sử dụng, đang sửa chữa.
[Đường sắt muốn vay gần 4.700 tỷ đồng để đầu tư đầu máy, toa tàu mới]
Đặc biệt, các Công ty vận tải đường sắt đang tồn đọng hàng trăm đầu máy, toa xe được sản xuất từ những thập niên 60 của thế kỷ trước.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đang quản lý 3.241 toa xe hàng, nhưng có đến 1.943 xe đã sử dụng 30 năm; trong đó có 292 toa xe thời gian sử dụng đã trên 48 năm. Tương tự, có 535 toa xe khách thì 117 xe vận dụng từ 30-40 năm.
Cá biệt, đơn vị này có 654 toa xe hàng sản xuất từ những năm 1978 – 1980, 57 toa xe sản xuất từ những năm 1967 đang chờ thanh lý. Về toa xe khách, công ty có 32 toa, trong đó có tới 27 toa sản xuất từ những năm 1971 đã quá hạn đăng kiểm đang chờ thanh lý.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đang trình đề xuất thanh lý 117 toa xe cả khách và hàng. Trong lô này, có toa xe khách vận dụng từ những năm 1978 - 1979, xe hàng có những xe vận dụng từ năm 1966.
Theo lãnh đạo các Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt, số toa xe quá hạn đăng kiểm là do quá cũ, lạc hậu, thời gian vận dụng đã hàng chục năm nên đang xem xét thanh lý hoặc để không, chưa sử dụng đến.
Lý giải về việc phải đầu tư trang thiết bị mới, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, đầu máy, toa xe lạc hậu dẫn đến tiêu hao nhiên liệu lớn, tốn kém chi phí sửa chữa, bảo dưỡng nhưng hiệu quả không cao. Hơn nữa, Luật Đường sắt 2017 quy định niên hạn sử dụng của đầu máy, toa xe nên số thiết bị trên sẽ không đủ điều kiện hoạt động.
Vì thế, Tổng công ty Đường sắt dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ thay thế dần các chủng loại đầu máy, toa xe lạc hậu kỹ thuật, công suất nhỏ để giảm chi phí giá thành bằng toa xe khách được sản xuất bằng công nghệ mới hiện đại của các nước công nghiệp phát triển vào khai thác và vận dụng trên các tuyến đường sắt tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh của vận tải đường sắt với các loại hình khác.
Cụ thể, VNR sẽ đầu tư 100 đầu máy mới (2.164 tỷ đồng), 150 toa xe khách (1.674,5 tỷ đồng), 300 toa xe vận chuyển container (270 tỷ đồng) và 500 toa xe có tốc độ chạy dưới 60km/giờ (550 tỷ đồng).
Trong đó, vốn đối ứng của Tổng công ty và các Công ty cổ phân vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn là 1.397,64 tỷ đồng (chiếm 30%), số tiền còn lại 3.261,16 tỷ đồng (chiếm 70%) là vốn vay ngân hàng.
Đề cập đến hình thức vay vốn, phía VNR đánh giá, nếu vay vốn ngân hàng thương mại sẽ chịu lãi suất cao, thời gian vay vốn ngắn nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao trong khi lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam lại ổn định, thời gian vay vốn dài, doanh nghiệp có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm tiền vay.
Để đáp ứng kịp thời việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng như ngành đường sắt, VNR đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ chấp thuận để các dự án đầu tư ngành đường sắt được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Bên cạnh đó, phía VNR cam kết sẽ chấp hành đầy đủ các thủ tục vay vốn nếu được Chính phủ chấp thuận, thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng theo đúng quy định của hợp đồng vay vốn./.