Ngay sau khi tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn chính thức thu phí đồng thời tỉnh Lạng Sơn có quyết định đồng thuận điều chỉnh mức thu trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Bắc Giang-Lạng Sơn, nhiều tài xế phàn nàn mức giá của 2 tuyến đường này của một nhà đầu tư cao hơn nhiều so với các trạm BOT khác.
Tăng phí song hành 2 tuyến đường
Ngày 18/2 vừa qua, tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn có quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp đã chính thức thu phí, với mức phí dành cho các xe loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) là 2.100 đồng/km; mức phí cao nhất áp dụng cho loại xe nhóm 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40feet) là 8.100 đồng/km.
Theo phản ánh của người dân, mức thu này đứng ở mức cao nhất hiện nay đối với đường cao tốc (cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có tới 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp nhưng mức phí thu đồng đều với tất cả phương tiện cũng chỉ ở mức 2.000 đồng/km, còn cao tốc Nội Bài-Lào Cai là tuyến cao tốc làm mới hoàn toàn, dài 245km cũng chỉ thu ở mức 1.500 đồng/km).
Giải thích về việc mức phí cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn cao hơn so với các dự án đường cao tốc khác, ông Vũ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn cho biết: “Theo hợp đồng BOT ký kết, dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn sẽ được thu phí từ ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, để chia sẻ với người dân, tỉnh Lạng Sơn và chủ đầu tư chưa thực hiện thu phí vào thời điểm đó mà cho vận hành lưu thông miễn phí tới sau đợt Tết Nguyên đán, bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/2 mới chính thức thu. Như vậy, nhà đầu tư đã thu phí lùi sau hơn 1 tháng.”
[Chính thức thu phí tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn từ ngày 18/2]
Mặt khác, ông Hoàng cho rằng, theo hợp đồng được duyệt, với các đường cao tốc khác khi phê duyệt dự án sau năm 2015 như tuyến Hạ Long-Vân Đồn thì mức phí thu của tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn là tương đương nhau.
Trong khi đó, vào ngày 12/2 vừa qua, tuyến Quốc lộ 1 đoạn km1+800-km106+500 áp dụng hình thức thu phí lượt đã được tỉnh Lạng Sơn điều chỉnh mức thu tăng lên rất nhiều so với mức phí 35.000 đồng/km vào thời điểm chính thức thu phí từ tháng 6/2018. Cụ thể, xe loại 1 có mức phí là 52.000 đồng/lượt, cao nhất với xe loại 5 mức phí lên tới 200.000 đồng/lượt, mức thu cao nhất trong các trạm BOT trên cả nước.
Theo vị Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn, nếu so sánh mức phí bình quân tính trên số km lưu thông trên cả tuyến thì vẫn thấp hơn nhiều so với các tuyến đường khác.
Đơn cử, mức phí Quốc lộ 1 đoạn Bắc Giang-Lạng Sơn dài 110km có mức phí 52.000 đồng (bình quân 472,73 đồng/km). So với dự án BOT Quốc lộ 91 (tỉnh Cần Thơ) và Quốc lộ 15 (tỉnh An Giang) có chiều dài 52km nhưng mức phí lên tới 82.600 đồng (bình quân 1.588 đồng/km), dự án BOT Quốc lộ 1 qua tỉnh Khánh Hòa dài 37,5km có mức phí 41.000 đồng (bình quân 1.093 đồng/km), dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa), Cầu Giát (Nghệ An) chiều dài 34km, mức phí 35.000 đồng (bình quân 1.029 đồng/km).
Chưa kể, theo hợp đồng gốc, các bên tham gia dự án xác định có 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 hoàn vốn cho dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, theo đề nghị của tỉnh Lạng Sơn, nhằm tạo sự đồng thuận với người dân, các bên đã thống nhất bỏ trạm thu phí km24+900 trên Quốc lộ 1; thực hiện việc miễm giảm gần 6.000 phương tiện tại trạm thu phí km93+160.
Lo đổ vỡ phương án tài chính
Dù mới đưa vào khai thác, do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV), ông Hoàng tiết lộ, lượng phương tiện lưu thông trên hai tuyến Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn sụt giảm khoảng 40%, từ bình quân 11.000 lượt xe/ngày đêm xuống còn khoảng 7.000 lượt xe/ngày đêm so với thời điểm chưa xuất hiện dịch, điều này càng khiến phương án tài chính của dự án thêm khó khăn.
“Với mức phí đang áp dụng, nhà đầu tư thu cả 2 tuyến nâng cấp Quốc lộ 1 và tuyến cao tốc, dòng tiền của dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn vẫn âm khoảng hơn 5.000 tỷ đồng trong 9 năm đầu khai thác so với phương án tài chính ban đầu. Các yếu tố này đã được Kiểm toán Nhà nước, ngân hàng và các bên liên quan xác định là nguyên ngân chính làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phương án tài chính, phương án tín dụng của dự án,” ông Hoàng cho hay.
[BIDV và VietinBank sẽ thu xếp vốn tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn]
Trước thực trạng của dự án, vừa qua, nhà đầu tư-Tập đoàn Đèo Cả đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Bộ Giao thông Vận tải sớm báo cáo cơ chức năng về các khó khăn liên quan đến phương án tài chính của dự án và có các giải pháp bổ sung nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho dự án giống như những dự án cao tốc khác, tránh việc phải dừng khai thác, hướng tới việc vận hành ổn định, lâu dài./.
Dự án BOT Bắc Giang-Chi Lăng (Lạng Sơn) dài gần 170km, tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó, hợp phần tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn km1+800 đến km106+500 dài 105km đã hoàn thành, thu phí từ tháng 6/2018. Hợp phần cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn dài 64km, được thông xe kỹ thuật cuối tháng 9/2019, bắt đầu thu phí từ 0 giờ ngày 18/2/2020. |