Từ năm 2010 đến cuối năm 2015, cả nước xảy ra trên 38 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học khiến trên 1.400 người phải nhập viện.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Bảo đảm an toàn thực phẩm Bếp ăn tập thể tại trường học do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức ngày 9/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ước tính của Cục An toàn thực phẩm, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 6,3 vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học. Từ năm 2010 đến cuối năm 2015, số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường học tập trung nhiều nhất tại khu vực miền núi phía Bắc với 12 vụ, còn ở khu vực Đông Nam bộ là 10 vụ.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm tại trường học. Trong số 38 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường học từ năm 2010 đến cuối năm 2015, vi sinh vật là tác nhân hàng đầu với 18 vụ ngộ độc thực phẩm, sau đó là các nguyên nhân gây ngộ độc do độc tố tự nhiên, hóa chất.
Đáng chú ý, thời tiết thay đổi cũng là một trong những điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Do đó, tháng Ba và tháng 10 hàng năm là thời điểm xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học.
Tiến sỹ Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, chất lượng an toàn của nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể tại trường học cần được kiểm soát chặt chẽ. Để xảy ra các vụ ngộ độc, trước hết trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng nhà trường và sau đó là cơ quan quản lý địa phương.
Theo nhiều đại biểu dự hội thảo, phụ huynh học sinh cũng cần có trách nhiệm trong việc ngăn chặn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm bằng cách yêu cầu được giám sát các bữa ăn tại trường học. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành y tế, giữa cơ quan chức năng với nhà trường và ban phụ huynh học sinh./.