Video cận cảnh tuyến đường huyết mạch đường vành đai 2

Với tổng chiều dài toàn tuyến là 5,1km, đường vành đai 2 có điểm đầu tại nút giao Ngã Tư Sở điểm cuối là phía Nam cầu Vĩnh Tuy (địa phận quận Hai Bà Trưng).
Đường vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng (Hà Nội) đang trong giai đoạn hoàn thiện chuẩn bị cho lễ thông xe trong thời gian tới. (Ảnh: Thành Đạt - TTXVN)
Đường vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng (Hà Nội) đang trong giai đoạn hoàn thiện chuẩn bị cho lễ thông xe trong thời gian tới. (Ảnh: Thành Đạt - TTXVN)

Đường vành đai 2 là một trong những tuyến đường huyết mạch của Thủ đô, với "nút thắt cổ chai" ở đường Trường Chinh nhiều năm qua được xem là cơn ác mộng về ùn tắc giao thông ở Hà Nội.

Dù trời nắng hay mưa, đầu tuần hay cuối tuần, hình ảnh tắc nghẽn, bụi bẩn, ngột ngạt và cãi vã... từng là "đặc sản" của con đường này.

Người dân sinh sống trên địa bàn quận Đống Đa, Thanh Xuân có những lúc phải mất đến 1 tiếng đồng hồ để di chuyển từ đầu đến cuối con đường Trường Chinh vào giờ cao điểm.

Dự án mở rộng và xây dựng đường vành đai 2 được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2011 và chính thức khởi công vào năm 2013, góp phần biến ước mơ của bao thế hệ người dân Thủ đô thành hiện thực.

Tuy nhiên, do khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng nên phải tháng 4/2018 tuyến đường Vành đai 2 trên cao mới được khởi công xây dựng.

Tập đoàn Vingroup được giao làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hà Nội đại diện cho thành phố quản lý và theo dõi việc thực hiện dự án.

Tổng mức kinh phí cho dự án khoảng 9.400 tỷ đồng, trong đó 4.194 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng.

[Thông xe đường trên cao đoạn Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở vào 2/9]

Với tổng chiều dài toàn tuyến là 5,1km, đường vành đai 2 có điểm đầu tại nút giao Ngã Tư Sở điểm cuối là phía Nam cầu Vĩnh Tuy (địa phận quận Hai Bà Trưng).

Đây là dự án đường trên cao đầu tiên ở Hà Nội sử dụng công nghệ thi công cầu bêtông cốt thép trên đà giáo di động, đổ dầm trực tiếp và không phải vận chuyển dầm bê-tông bằng xe hạng nặng tới công trình.

Sau hơn hai năm thi công, 2,1km tuyến đường Trường Chinh đã bắt đầu được khoác “áo mới” ở đoạn tuyến từ Ngã Tư Sở đi Ngã Tư Vọng.

Các hạng mục cầu chính gồm bề mặt cầu rộng 19m dành cho 4 làn xe chạy, cầu dẫn kết nối với đường bên dưới có bề mặt rộng 7m được đặt tại 3 vị trí Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng và cầu Vĩnh Tuy.

Theo thiết kế, vận tốc tối đa cho phép xe chạy là 80km/h. Đến nay, các hạng mục trải thảm nhựa đường, lắp đặt hệ thống đèn cao áp biển báo, sơn kẻ đường, lan can hộ làn cũng đang được đơn vị gấp rút hoàn thiện.

Một trong những điểm nổi bật của tuyến đường này là hai bên thành cầu được lắp kính trong suốt chống ồn.

Đi dọc tuyến đường Trường Chinh, người ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều công nhân đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để chuẩn bị cho ngày thông xe.

Theo dự kiến, công trình được hoàn thành và thông xe đúng dịp Quốc khánh 2/9 tới.

Riêng đoạn từ nút giao Ngã Tư Vọng đến cầu Vĩnh Tuy, đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện giải phóng mặt bằng.

Việc mở rộng, xây dựng đường vành đai 2 trên cao có vai trò kết nối giao thông vô cùng quan trọng ở Hà Nội.

Công trình được kỳ vọng sẽ giải quyết được toán ùn tắc và thay đổi diện mạo giao thông ở Thủ đô trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục