Thu phí Quốc lộ 5 để sửa đường, chưa 'nuôi' cao tốc Hà Nội-Hải Phòng

VIDIFI: Thu phí 2 trạm trên Quốc lộ 5 chỉ đủ để sửa chữa tuyến đường

Theo lãnh đạo VIDIFI, việc thu phí 2 trạm trên Quốc lộ 5 chỉ đủ để sửa chữa tuyến đường và chưa thể hoàn vốn cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Liên quan đến việc một số đối tượng kích động người tham gia giao thông gây cản trở việc thu phí tại khu vực trạm thu phí Quốc lộ 5, lãnh đạo Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) khẳng định, việc thu phí Quốc lộ 5 chỉ đủ để sửa chữa tuyến đường và chưa thể hoàn vốn cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Theo báo cáo của VIDIFI, do không có đủ vốn để tham gia ngay từ đầu phần vốn của Nhà nước đầu tư vào dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao VIDIFI thu phí tại 2 trạm Quốc lộ 5 tạo nguồn thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc tại Quyết định 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007, trước khi có chủ trương thu phí bảo trì đường bộ và thành lập Quỹ bảo trì đường bộ (năm 2012).

[Trạm thu phí BOT Quốc lộ 5 đoạn qua Hưng Yên lại bị gây rối]

Sau đó, do Quỹ bảo trì đường bộ hạn chế, không đủ kinh phí để sửa chữa Quốc lộ 5, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao tiếp cho VIDIFI quản lý, bảo trì, sửa chữa Quốc lộ 5 từ năm 2016.

Quốc lộ 5 đã trên 18 năm khai thác, quá thời hạn nhưng chưa được đại tu, sửa chữa lớn nên hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nếu không sửa chữa sẽ không thể tiếp tục khai thác vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa chữa cấp bách Quốc lộ 5 với số tiền khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 bố trí khoảng 840 tỷ đồng để sửa chữa cấp bách khoảng 30km đoạn tuyến qua tỉnh Hải Dương đã hư hỏng nghiêm trọng (đã lập dự án sửa chữa, dự kiến triển khai trong năm 2019); giai đoạn 2 sẽ bố trí từ 1.200-2.000 tỷ đồng (tùy theo tính khả thi của phương án tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định) để sửa chữa khoảng 70km các đoạn tuyến còn lại của Quốc lộ 5.

VIDIFi cũng cho rằng, số tiền duy tu, bảo trì Quốc lộ 5 theo quy định của Nhà nước trong thời gian 30 năm với tổng số tiền khoảng 10.526 tỷ đồng.

Với mức thu phí trên Quốc lộ 5 như hiện nay, phía VIDIFI tính toán phải thu phí trong hơn 12 năm mới đủ kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì Quốc lộ 5.

“Như vậy, theo cơ chế thí điểm ban đầu do Thường trực Chính phủ quyết định, toàn bộ số thu phí Quốc lộ 5 được sử dụng để hỗ trợ hoàn vốn đầu tư đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, nhưng hiện nay, số thu phí Quốc lộ 5 trước mắt chỉ được tập trung sử dụng để phục vụ sửa chữa lớn cấp bách đường đã xuống cấp nghiêm trọng, bảo trì, duy tu thường xuyên (trong 30 năm). Nếu không tiếp tục thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại 2 trạm Quốc lộ 5, sẽ không có nguồn vốn để sửa chữa lớn, không có nguồn vốn để bảo trì, sửa chữa thường xuyên Quốc lộ 5,” lãnh đạo VIDIFI khẳng định.

Trước việc một số đối tượng đưa thông tin không xác thực về việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại 2 trạm Quốc lộ 5, kích động người tham gia giao thông gây cản trở việc thu phí tại khu vực trạm thu phí, VIDIF đề nghị các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp, Hiệp hội vận tải, người tham gia giao thông hiểu rõ và ủng hộ chủ trương của Chính phủ về đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và thu phí Quốc lộ 5.

[Từ 1/8 sẽ miễn, giảm giá vé tại hai trạm BOT trên quốc lộ 5]

Về chủ trương đầu tư dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, từ những năm 2004-2005, tuyến Quốc lộ 5 đã mãn tải, thường xuyên ùn tắc, thời gian di chuyển mất từ 3-4 giờ cho quãng đường 100 km từ Hà Nội đến Hải Phòng, không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặt ra nhu cầu cần thiết phải xây dựng một tuyến đường cao tốc nối thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng.

Để xây dựng đường cao tốc, số vốn huy động đầu tư rất lớn, ngoài mặt bằng sạch, Nhà nước phải hỗ trợ từ 30-50% kinh phí đầu tư.

Đối với dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, do ngân sách hạn chế, không có đủ vốn để tham gia ngay từ đầu phần thực hiện của Nhà nước theo hình thức PPP nên Nhà nước đã quyết định thực hiện đầu tư đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng theo cơ chế thí điểm giao cho VIDIFI thu phí tại hai trạm thu phí Quốc lộ 5 để tạo nguồn thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc (thực chất đây là hình thức hỗ trợ, tham gia của Nhà nước vào dự án bằng nguồn vốn ngân sách từ thu phí).

Sau khi tuyến đường này đưa vào khai thác và thông xe, thời gian lưu thông trên đường cao tốc rút ngắn từ Hà Nội-Hải Phòng chỉ còn 1 giờ (giảm 2,5 giờ so với đi trên Quốc lộ 5) và nếu đi trên Quốc lộ 5 (sau khi khoảng 50% lưu lượng xe đi sang đường cao tốc) thì thời gian còn 2 giờ (giảm 1,5 giờ). Như vậy, tất cả các chủ phương tiện đều được hưởng lợi sau khi đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đi vào hoạt động. Đồng thời, dự án đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế Bắc Bộ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục