Việt Nam hiên nay có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đáng lưu ý, tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên trong nhiều khu vực đã lên tới khoảng 25-47% và đặc biệt bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hoá.
Tại buổi họp báo về Đại hội tim mạch toàn quốc lần thứ 18, diễn ra ngày 5/10, Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội tim mạch học Quốc gia, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia lưu ý trước thực trạng trên vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe của chính mình.
[Bệnh tim mạch - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu]
Theo phó giáo sư Hùng, dịch bệnh COVID-19 đặt ra cho nhiều thách thức với việc các quốc gia áp dụng các biện pháp phong toả và hạn chế, vì vậy việc chăm sóc sức khoẻ và điều trị bệnh trong dó có bệnh lý tim mạch của người dân cũng bị ảnh hưởng, người dân hạn chế đi khám bệnh.
Giáo sư Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến trẻ hóa các bệnh lý tim mạch ở nhiều người Việt Nam hiện nay là do thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ thực phẩm, ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ… dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và cuối cùng là các biến cố tim mạch.
Bên cạnh đó, do sức ép và áp lực công việc của lối sống hiện đại diễn ra trong thời gian dài khiến cơ thể của nhiều người bị căng thẳng lớn. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến những cơn co thắt tim tại nhóm người trẻ tuổi. Lối sống gấp gáp, ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi không phù hợp cũng là nguyên nhân khiến người trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch ngày càng nhiều.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu mỗi người không kiểm soát các yếu tố gây bệnh lý tim mạch sớm và hệ lụy để lại rất nặng nề, không chỉ ảnh hưởng bản thân người bệnh mà còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Ngoài ra nhóm bệnh tim bẩm sinh không được phát hiện và điều trị sớm trong những năm đầu sau sinh cũng chiếm tỉ lệ bệnh lý tim mạch không nhỏ ở người trẻ.
Hiện nay, bệnh tim mạch vẫn đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất, chi phí chăm sóc điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng với hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, số bệnh nhân mắc bệnh này đang có xu hướng ngày càng tăng.
Đáng lo hơn, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều người mắc bệnh khi đang còn trong độ tuổi lao động.
Nhằm liên tục cập nhật, bổ sung các kiến thức cũng như giao lưu hợp tác trong lĩnh vực Tim mạch, Hội Tim mạch học Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 18 với chủ đề “30 năm Tim mạch học Việt Nam: Hình thành - Hội nhập - Phát triển” tại Quảng Ninh, từ ngày 07-09/10/2022. Đây là cơ hội giúp các y bác sĩ trao đổi, cập nhật, và đào tạo những kiến thức mới nhất về chẩn đoán, điều trị và phòng chống các bệnh lý tim mạch, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho các y bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng trên khắp cả nước.
Hội nghị nhằm truyền thông tuyên truyền gián tiếp và trực tiếp tại cộng đồng để người dân có những kiến thức, những hiểu biết để phòng, chống bệnh lý này.
Hội nghị lần này sẽ kết hợp hình thức tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, dự kiến thu hút 2000 đại biểu đến tham dự trực tiếp và 10.000 lượt truy cập trên các nền tảng số của Hội. Chương trình hội nghị khoa học sẽ cập nhật nhiều vấn đề mới với nội dung phong phú cũng như nhiều báo cáo của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ hội nghị, Hội Tim mạch học Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo liên tục có cấp chứng chỉ (đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế) dành cho các bác sĩ và điều dưỡng có nhu cầu./.