Lo ngại nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5?

Việt Nam có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 cao nên khó bùng phát dịch lớn

Để phòng chống dịch trên diện rộng, việc thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 nên được thực hiện thường xuyên, liên tục đặc biệt trong dịp nghỉ lễ dài tới đây.
Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 25/4 của Bộ Y tế cho biết trong ngày ghi nhận có 2.501 ca mắc, cao nhất trong hơn nửa năm qua và trong ngày cũng ghi nhận 1 bệnh nhân COVID-19 tại Nam Định tử vong. Bệnh nhân thở oxy cũng tăng lên 145 ca.

Trước thềm kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dài ngày, sự tiếp xúc gần của người dân sẽ gia tăng, các chuyên gia khuyến cáo cần có những biện pháp dự phòng để tránh lây nhiễm bệnh.

Khả năng bùng phát lớn khó xảy ra

Hiện nay, nhiều người dân bày tỏ lo ngại liệu có xảy ra nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới?

Về vấn đề này, Tiến sỹ Ngũ Duy Nghĩa - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) cho hay COVID-19 là bệnh lây qua đường hô hấp, đặc biệt có nguy cơ lây lan khi tiếp xúc gần và tập trung đông người nên dịp nghỉ lễ tới đây có thể làm tăng ca bệnh.

[Bình Dương, Sóc Trăng, Cần Thơ tăng cường các biện pháp chống dịch]

“Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất trên thế giới cho nên khả năng bùng phát lớn khó xảy ra,” Tiến sỹ Ngũ Duy Nghĩa phân tích.

Theo bác sỹ Nghĩa, để phòng chống dịch trên diện rộng, việc thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 nên được thực hiện thường xuyên, liên tục đặc biệt trong dịp nghỉ lễ dài tới đây. Những người chưa tiêm đủ mũi vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế nên khẩn trương tiêm đủ mũi để phòng bệnh tốt nhất.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.549.186 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.713 ca nhiễm).

Trong ngày 24/4 có 7.886 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm trên toà quốc đến nay là hơn 266.152.400 liều.

Biến thể phụ mới không làm năng mức độ nặng

Phân tích về các biến chủng của virus SARS-CoV-2, Thạc sỹ Nguyễn Công Khanh - Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) nhấn mạnh hiện nay có nhiều biến chủng đang lưu hành trên thế giới. Các biến chủng được quan tâm là các biến chủng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) theo dõi và giám sát.

Việt Nam có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 cao nên khó bùng phát dịch lớn ảnh 1Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Theo bác sỹ Thanh, biến chủng XBB.1.16 được phát hiện lây lan nhanh trên toàn thế giới và có khả năng thay thế cho các biến chủng SARS-COV-2 trước đây. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy các biến chủng này gây bệnh nặng hoặc làm thay đổi triệu chứng lâm sàng của bệnh. Một số quốc gia báo cáo tỷ lệ mắc biến chủng mới ở trẻ em cao có thể do miễn dịch tự nhiên sau mắc COVID-19 suy giảm hoặc tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi tăng cường còn thấp.

Trả lời các thắc mắc về việc các biến thể của virus SARS-CoV-2 vừa phát hiện được tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có đáng lo ngại không? Tiến sỹ Ngũ Duy Nghĩa cho biết các biến thể của SARS-CoV-2 mà Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội mới phát hiện đều là các biến thể phụ của chủng Omicron. Những biến thể phụ này đã được phát hiện trước đây và lưu hành tại nhiều nước trên thế giới. Đến nay WHO đều đưa các biến thể phụ này vào nhóm đáng theo dõi và quan tâm.

“Những biến thể phụ này cũng không có gì mới lạ. Hiện nay chưa có thông tin hay bằng chứng rõ ràng là biến thể phụ này làm năng mức độ nặng của bệnh,” Tiến sỹ Ngũ Duy Nghĩa chỉ rõ.

Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời gian nghỉ lễ sắp tới, nhu cầu đi lại gia tăng, vì vậy người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như mang khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ để tránh gia tăng số ca bệnh.

Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Đặc biệt, mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và cộng đồng nhất là đối tượng dễ bị tổn thương như đã nêu trên. Điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B... Ai có triệu chứng cũng nên xét nghiệm có phải đang mắc COVID-19 hay không và cuối cùng là cần tuân thủ theo lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế.

Tiến sỹ Ngũ Duy Nghĩa nhấn mạnh với biến thể Omicron thì vaccine COVID-19 vẫn có hiệu quả. Để phòng chống lây nhiễm COVID-19, ngoài việc tiêm đủ các mũi vaccine như khuyến cáo, người dân nên được thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như khẩu trang, khử khuẩn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục