Việt Nam đang ở năm thứ 2 triển khai mở rộng chương trình dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại 27 tỉnh, thành phố và đã có những điều chỉnh phù hợp để tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu của nhóm đích.
Đánh giá việc triển khai mở rộng chương trình PrEP cho thấy Việt Nam đang trên lộ trình tiến tới loại trừ AIDS vào năm 2030.
[Gần 13.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV]
Tại hội thảo, Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) 2018-2020 và kế hoạch 2021 diễn ra ngày 5/11 tại Hà Nội đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam (VAAC) đã chia sẻ báo cáo về chương trình PrEP quốc gia cho thấy sự gia tăng nhanh số người duy trì và đăng ký sử dụng PrEP mới, bất chấp tác động của đại dịch COVID-19.
PrEP mở rộng tại 26 tỉnh, thành phố
Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ khi khởi động chương trình PrEP năm 2017, đã có hơn 12.000 người đăng ký sử dụng PrEP, trong đó chỉ riêng dự án USAID/PATH Healthy Markets đã có 6.678 người sử dụng PrEP trong năm 2020, tăng 3.946 người so với năm 2019.
Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là liệu pháp dự phòng mang tính đột phá, có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV tới hơn 92% nếu được sử dụng hàng ngày, như một phần của chiến lược dự phòng tổng thể.
PrEP được giới thiệu lần đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm 2017 trong khuôn khổ chương trình Prepped for PrEP - một chương trình thí điểm do Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam (VAAC) và dự án USAID PATH Healthy Markets phối hợp triển khai.
Dịch vụ PrEP nhận được sự quan tâm của nhóm đích với số lượng đăng ký sử dụng ngày càng tăng và tỷ lệ người tiếp tục sử dụng PrEP cao.
Từ tháng 11/2019, PrEP đã được mở rộng thêm ra 15 tỉnh, thành phố, đưa dịch vụ này sẵn có tại 26 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ, Quỹ Toàn cầu và Chính phủ Việt Nam.
Việc triển khai PrEP không ngừng được đổi mới và sáng tạo nhằm cung cấp các lựa chọn tiếp cận mới và đa dạng cho những người có nguy cơ nhiễm HIV.
USAID cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam
Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: “Năm nay, vì COVID-19, chúng tôi đã phải áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp để đảm bảo nhóm đích vẫn có thể tiếp tục tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu trong đó có dịch vụ HIV như PrEP”.
Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương phân tích: “Số người đăng ký sử dụng PrEP mới vẫn cao, cho thấy rõ nhu cầu đối với dịch vụ này. Chúng tôi đã học được nhiều bài học từ giai đoạn giãn cách xã hội do COVID-19, liên quan đến việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa, lấy mẫu xét nghiệm và giao thuốc tận nhà, chúng tôi thấy được sự cần thiết phải tích hợp các giải pháp đó để cải tiến việc cung cấp các dịch vụ hiện có.”
Thành công của chương trình cho đến nay là nhờ vào các chiến dịch tạo cầu mạnh mẽ và đa dạng hóa các dịch vụ. Điển hình như PrEP tình huống (ED-PrEP) mới được giới thiệu cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và triển khai cung cấp PrEP tại một loạt các phòng khám công, tư nhân và phòng khám cộng đồng.
ED-PrEP là một cách sử dụng thuốc PrEP theo tình huống với liều lượng khác so với PrEP hằng ngày. ED-PrEP cho hiệu quả cao trong dự phòng nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), cho họ thêm lựa chọn, sự linh hoạt, thuận tiện khi sử dụng.
ED-PrEP đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua vào tháng 7 năm 2019 và đã được cập nhật trong Hướng dẫn quốc gia về PrEP của Việt Nam, như vậy nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có thể lựa chọn chỉ dùng PrEP khi có hành vi nguy cơ cao, thay vì cần uống hằng ngày trong thời gian dài.
Bà Ritu Singh - Giám đốc Văn phòng Y tế Việt Nam của USAID cho biết: “Chúng tôi cam kết hỗ trợ Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các đối tác giới thiệu các chiến lược dự phòng mới dựa trên bằng chứng khoa học đáng tin cậy, đảm bảo khách hàng PrEP nhận được sự hỗ trợ cần thiết để tiếp tục sử dụng PrEP. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác để giúp hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này.”
Chương trình PrEP quốc gia được xây dựng dựa trên những thực hành tốt nhất trên toàn cầu và nghiên cứu nhu cầu của nhóm đích.
Tiến sỹ Kimberly Green - Giám đốc Chương trình toàn cầu về HIV và Lao của PATH, giám đốc dự án USAID/PATH Healthy Markets cho biết chương trình PrEP được nhân rộng bằng cách tích hợp toàn diện các dịch vụ PrEP ở cả phòng khám công và tư, song song với các chiến dịch tạo cầu với sự tham gia của cộng đồng ngay từ khâu thiết kế chương trình. Các nhóm đích sẽ chỉ tiếp cận dịch vụ nếu họ biết thông tin và cảm thấy an toàn, tin tưởng người cung cấp dịch vụ.
Dự án USAID/PATH Healthy Markets đã hỗ trợ các tổ chức cộng đồng tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ PrEP, điều chỉnh dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, cùng đồng hành thiết kế các chiến dịch và sự kiện hướng tới khách hàng, đồng thời thực hiện một chương trình cải tiến chất lượng liên tục nghiêm ngặt.
Bác sỹ Nguyễn Loan, Trưởng phòng khám ngoại trú quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết vẫn còn khoảng trống trong việc cung cấp PrEP cũng như các dịch vụ liên quan đến HIV khác cho nhóm đích tại Hà Nội. Thời gian qua phòng khám đã hợp tác với USAID/PATH Healthy Markets trong nhiều năm để cung cấp thông tin quan trọng và các dịch vụ y tế cho cộng đồng. Với sự hỗ trợ từ dự án, chúng tôi đã trở thành một điểm đến an toàn của cộng đồng.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), 12 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh/thành phố, Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (U.S. CDC), Quỹ Toàn cầu (GF), tổ chức phi lợi nhuận sức khỏe toàn cầu PATH, Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế (FHI 360), các đối tác trong chương trình, các phòng khám cung cấp dịch vụ PrEP, tổ chức cộng đồng./.