Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hơn 136 triệu USD trong 5 tháng đầu năm

Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 42 dự án đầu tư mới và 10 lượt điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư đạt 136,07 triệu USD (bằng 43% so với cùng kỳ năm ngoái).

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 42 dự án đầu tư mới và 10 lượt điều chỉnh vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 136,07 triệu USD (bằng 43% so với cùng kỳ năm ngoái).

Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 16 ngành, trong đó vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (chiếm 43,1% vốn); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 23,9% vốn); bán buôn, bán lẻ (chiếm 8,3% vốn). Còn lại là các ngành khác.

Trong 5 tháng đầu năm, có 16 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Các nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Hà Lan (40,1%); Lào (36,8%); Hoa Kỳ (5,6%); New Zealand (4,3%);…

Lũy kế đến ngày 20/5/2024, Việt Nam đã có 1.733 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 22,25 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,6%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,6%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,8%); Campuchia (13,1%); Venezuela (8,2%).

Tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng năm nay tiếp tục xu hướng tích cực, mặc dù còn nhiều khó khăn. Nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao. Kinh tế cơ bản tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực.

Sản xuất công nghiệp tháng Năm tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung năm tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,3%, đóng góp 6,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,7%, đóng góp 1,1 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng giảm 5,2%, làm giảm 0,8 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 55 địa phương và giảm ở 8 địa phương trên cả nước.

Trong tháng Năm, cả nước có hơn 13.200 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,7% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 6.749 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 18,8% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài ra, 5.303 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 30,4% và giảm 1,1%; 4.550 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,3% và giảm 3,5%; 1.538 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 14,4% và tăng 25,8%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 98.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.300 doanh nghiệp, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

ttxvn-may mac.jpg
Dây chuyền may mặc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5 ước đạt 48.200 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 190.600 tỷ đồng, bằng 26,6% kế hoạch năm và tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 24,8% và tăng 21,5%).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 11,07 tỷ USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.