Nhân dịp tham dự Đại Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 71, diễn ra từ ngày 21 đến 26/5 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường và đoàn đại biểu Bộ Y tế Việt Nam có nhiều cuộc gặp gỡ, làm việc với các đối tác quốc tế.
Tại buổi làm việc với đoàn đại biểu Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc, hai bên đã thảo luận và nhất trí việc hoàn thiện văn bản hợp tác y tế giữa hai nước, dự kiến sẽ được ký vào chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc.
Hai bên cũng nhất trí đẩy nhanh tiến độ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc với Việt Nam trong việc thành lập và triển khai hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế ở Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Quang Cường và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Giám đốc Chương trình Lao Toàn cầu của WHO, bà Tereza Kasaeva, để thảo luận việc tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Giám đốc Chương trình Lao toàn cầu đánh giá cao những kết quả Việt Nam đã đạt được trong công tác phòng chống lao và mong muốn Việt Nam tích cực chia sẻ các bài học thành công với các nước đang nằm trong nhóm có gánh nặng về bệnh lao.
Bà Giám đốc cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tham dự Cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc về thanh toán bệnh lao từ nay đến năm 2030, dự kiến sẽ diễn ra tại New York, Mỹ, tháng 9/2018.
Thứ trưởng Lê Quang Cường cũng tham dự cuộc họp cấp Bộ trưởng về Loại trừ bệnh sốt rét ở khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) do Trung Quốc và Srilanka khởi xướng. Cuộc họp đã thông qua Tuyên bố của các Bộ trưởng kêu gọi hành động để loại trừ bệnh sốt rét tại khu vực GMS từ nay đến năm 2030.
Bên cạnh đó, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Y tế, và đoàn công tác đã có các cuộc họp song phương với một số đối tác quốc tế.
Tại buổi làm việc với đại diện Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), hai bên đã thảo luận việc IAEA hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn 2020-2021, trong đó có kế hoạch hỗ trợ Chương trình Phòng chống ung thư tại Việt Nam, bao gồm đào tạo nguồn nhân lực, chẩn đoán sớm ung thư và các phương pháp điều trị bằng xạ trị.
Việt Nam sẽ gửi đề xuất cho IAEA trong thời gian tới, đoàn công tác của IAEA và WHO sẽ tới Việt Nam làm việc với các cơ quan liên quan để xây dựng chương trình hợp tác về phòng chống ung thư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Thị Giáng Hương cũng đã làm việc với ông Tom Frieden, Giám đốc Tổ chức Resolve của Hoa Kỳ về Sáng kiến phòng chống cao huyết áp tại cộng đồng, đặc biệt là chính sách giảm lượng muối tiêu thụ trong thức ăn và phòng ngừa đột quỵ theo hướng tiếp cận tại cộng đồng. Resolve dự kiến sẽ làm việc cụ thể với các đối tác của Việt Nam để xây dựng một dự án thí điểm về phòng chống huyết áp cao trong cộng đồng tại một vài tỉnh, thành của Việt Nam.
Đoàn khảo sát của Resolve dự kiến sẽ tới Việt Nam vào tháng 7/2018 để thảo luận cụ thể về chương trình này. Dự án này đã được thực hiện thí điểm thành công tại một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Thái Lan và Sri Lanka.
Đoàn đại biểu Bộ Y tế Việt Nam cũng đã gặp gỡ đoàn đại biểu Thái Lan để thảo luận về đề xuất Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Liên minh hành động châu Á Thái Bình Dương về Nguồn nhân lực y tế (AAAH) lần thứ 10, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2018. Việt Nam đã từng đăng cai tổ chức thành công hội nghị này vào năm 2009.
Bên lề Đại hội đồng Y tế Thế giới lần này, Việt Nam đã đồng bảo trợ cho sáng kiến của Hàn Quốc và Thụy Điển tổ chức sự kiện về Kháng kháng sinh. Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Thị Giáng Hương đã tham gia Ban điều hành của sự kiện và chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với vấn đề kháng kháng sinh. Sự kiện đã được các quốc gia tham dự đông đảo và đánh giá cao các kinh nghiệm của Việt Nam về vấn đề kháng kháng sinh.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, đã tham gia Ban điều hành của sự kiện bên lề về Hướng tới chấm dứt bệnh lao để đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân do Nam Phi và Liên bang Nga khởi xướng.
Tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 71, Đoàn đại biểu Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và chủ động vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng, thể hiện trách nhiệm và vai trò ngày càng cao tại diễn đàn quan trọng nhất về y tế toàn cầu, góp phần đưa tiếng nói của các quốc gia đang phát triển vào quá trình xây dựng và hoạch định các chính sách y tế toàn cầu trong tương lai./.