Việt Nam lần đầu tiên nối thành công phần mũi bị đứt rời

Vừa qua, các bác sỹ của Bệnh viện Việt Đức đã nối thành công phần đầu mũi bị đứt rời hoàn toàn cho một bệnh nam 37 tuổi ở Hà Tĩnh.
Việt Nam lần đầu tiên nối thành công phần mũi bị đứt rời ảnh 1Các bác sỹ của Bệnh viện Việt Đức thực hiện mổ vi phẫu nối mũi cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vừa qua, các bác sỹ của Bệnh viện Việt Đức đã nối thành công phần đầu mũi bị đứt rời hoàn toàn cho một bệnh nam 37 tuổi ở Hà Tĩnh.

Thạc sỹ Đào Văn Giang, khoa Phẫu thuật Tạo hình- Hàm mặt, thành viên thực hiện ca trong kíp mổ cho biết, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện vào khoảng 3 giờ 30 chiều 17/2. Khi đó bệnh nhân trong tình trạng đầu mũi bị đứt rời hoàn toàn, kích thước khoảng 2x3cm, ở vị trí phía trên tương ứng ranh giới giữa sụn mũi và xương chính mũi.

Theo thạc sỹ Giang, đây là ca nối ghép cực kỳ khó vì mạch máu ở đây rất nhỏ, kích thước chỉ khoảng 0,4-0,5mm. Vị trí thao tác phẫu thuật trên mũi cũng không thuận lợi. Cộng thêm các mạch máu khi bị đứt đều co rút ngắn lại nên không thể nối trực tiếp. Thay vào đó, bác sỹ phải lấy 4-5 đoạn tĩnh mạch nhỏ dưới đùi của bệnh nhân, mỗi đoạn 0,8cm để ghép nối các động mạch, tĩnh mạch bị đứt lại.

“Mỗi mạch máu có kích thước rất nhỏ, chúng tôi phải khâu được 4-5 mũi chỉ bằng chỉ rất nhỏ (10/0) dưới kính hiển vi có độ phóng đại lớn nhất. Và với độ phóng đại này, các thao tác đòi hỏi phải cực kỳ chính xác, tỉ mỉ và kiên trì. Chỉ cần một sai sót nhỏ là miệng nối có thể bị tắc, máu không được lưu thông, mảnh ghép sẽ bị hoại tử”, thạc sỹ sỹ Giang nhấn mạnh.

Sau ca vi phẫu, máu được cung cấp lại nên sống mũi của bệnh nhân dần hồng ấm trở lại. Ca mổ kéo dài 13 tiếng, từ 4 giờ chiều hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.

Hiện bệnh nhân vẫn được tiếp tục theo dõi, điều trị đặc biệt.

Thạc sỹ Đỗ Ngọc Linh - Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình-Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam nối thành công phần đầu mũi bị đứt rời, sau 13 giờ mổ vi phẫu.

Hiện phần mũi bị đứt rời của bệnh nhân được nối đã sống, màu sắc hồng hào như bình thường. Sau mổ, vết thương bắt đầu liền, dự kiến 2-3 ngày nữa, bệnh nhân sẽ được cắt chỉ và ra viện.

Theo thạc sỹ Linh, trên thế giới đến nay ước tính mới thực hiện khoảng hơn 10 ca tương tự. Trước đây, bệnh viện từng nối mũi nhưng đó là cả phần mặt to phức hợp cả mũi.

Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân bị tai nạn sinh hoạt khiến đầu mũi bị đứt rời hoàn toàn. Sau đó, bệnh nhân được đưa lên bệnh tỉnh cấp cứu.

Tại bệnh viện tỉnh, bác sỹ yêu cầu người nhà đưa phần mũi bệnh nhân bị đứt ra để có thể nối lại. Khi đó, người nhà bệnh nhân trên mới vội về tìm và thấy phần mũi còn lại ở dưới gầm bàn.

Sau khi được sơ cứu, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cùng với phần đầu mũi bảo quản trong đá lạnh đựng trong hộp xốp.

Thạc sỹ Giang phân tích, mũi là một bộ phận rất quan trọng và cho đến nay chưa có phương pháp tạo hình nào phục hồi hoàn chỉnh cấu trúc giải phẫu, chức năng, thẩm mỹ của mũi, nối lại là biện pháp duy nhất.

Với kỹ thuật vi phẫu hiện đại, hiện nay các bác sỹ đã có thể nối được thành công những bộ phận bị đứt rời như: tay, chân, da đầu bị lột, tai, môi, mũi, dương vật...

Vì thế, với bất kỳ bộ phận nào bị đứt rời, người nhà của nạn nhân nên bảo quản và đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để nối lại.

Thạc sỹ Giang khuyến cáo người dân cần cho bộ phận bị đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín lại, nếu có thể thì bọc trong miếng gạc. Sau đó lại cho vào một túi nilon khác đựng nước, buộc kín bỏ vào thùng đá, giữ ở nhiệt độ 4-10 độ C. Tránh để phần đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh gây bỏng lạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục