Mối quan hệ Nhật Bản-Việt Nam đã đánh dấu mốc lịch sử 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, trở thành đối tác chiến lược vì hòa bình, thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Những dự án được hợp tác trong mối quan hệ hai nước, trong đó lĩnh vực y tế có thể coi là một trong những lĩnh vực quan trọng chủ đạo.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam mong sự hợp tác y tế giữa hai nước ngày càng gắn kết thông qua các hoạt động phát triển dự án hợp tác y tế giữa các đơn vị y tế của hai nước.
Ông Ito Naoki - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Tọa đàm y tế “Sức khỏe về gen và chống lão hóa,” do Bệnh viện Đa khoa quốc tế Bắc Hà phối hợp Công ty Revita - đơn vị đi đầu trong lĩnh vực điều trị bệnh bằng công nghệ giải mã gene tại Nhật Bản, tổ chức ngày 26/9, tại Hà Nội.
Số người trên 65 tuổi của Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ và Truyền thông, những người trên 65 tuổi - được định nghĩa là người cao tuổi ở Nhật Bản, chiếm 29,3% tổng dân số.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho hay những năm qua Chính phủ Nhật Bản đã thông qua nhiều dự án ODA hỗ trợ về kỹ thuật, đào tạo về nguồn nhân lực, cung cấp trang thiết bị y tế, xây dựng bệnh viện tại Việt Nam, để hỗ trợ hệ thống y tế Việt Nam ngày càng phát triển hơn.
“Cùng với hoạt động giữa hai Chính phủ, việc các doanh nghiệp tư nhân ở Nhật Bản cũng kinh doanh, đầu tư vào lĩnh vực y tế của Việt Nam góp phần phát triển sự hợp tác y tế giữa hai quốc gia. Trong tọa đàm, Công ty cổ phần Revita sẽ giới thiệu dịch vụ dựa trên công nghệ giải mã gene và hy vọng đây sẽ là một giải pháp đối với vấn đề xã hội như già hóa dân số của hai nước Việt Nam và Nhật Bản,” Đại sứ Ito Naoki nói.
Tiến sỹ Nguyễn Ngô Quang - Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết hợp tác về y tế giữa Việt Nam-Nhật Bản là một trong những minh chứng cho hợp tác chiến lược toàn diện giữa 2 quốc gia. Ngành y tế Việt Nam rất trân trọng những nghiên cứu, phát minh, kết quả mà các nhà khoa học Nhật Bản đã được triển khai nghiên cứu và ứng dụng vào chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Ông Quang cho hay chiến lược phát triển khoa học công nghệ của ngành y tế Việt Nam từ nay đến năm 2030 là những vấn đề liên quan phát triển về y học cá thể, trong đó có công nghệ về gene. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học-công nghệ y tế, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các đơn vị đầu mối hợp tác tại Việt Nam phối hợp, hợp tác triển khai nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới của Nhật Bản đã được cấp phép để có thể triển khai ở Việt Nam.
Giáo sư Shigeo Horie - Chủ tịch Hiệp hội chống lão hóa Nhật Bản chia sẻ tại tọa đàm các vấn đề về lão hóa, yếu tố di truyền và yếu tố môi trường của các bệnh đa yếu tố, như ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tiểu đường, dị ứng, sa sút trí tuệ, trầm cảm…
Theo ông, các bệnh như: Ung thư, tim mạch và đột quỵ có tác động lớn đến cuộc sống, trong đó yếu tố nguy cơ chính của những bệnh này là tuổi tác. Hầu hết bệnh nhân thường phát bệnh sau 50 tuổi và nguy cơ mắc bệnh gia tăng nhanh chóng theo sự lão hoá, tuỳ vào mã gene mà con người mắc phải những bệnh khác nhau.
Đột quỵ nằm trong nhóm các bệnh lý gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Nghiên cứu chỉ ra có 32 loại gene liên quan căn bệnh này. Theo Giáo sư Horie, những người có nguy cơ cao bị đột quỵ, nếu không chú ý đến việc thay đổi lối sống sẽ đối diện với khả năng bị bệnh gấp 3 lần người bình thường. Do đó, kết quả giải mã gene sẽ xác định chính xác tuổi thọ sinh học, từ đó có thể dự đoán bệnh trong tương lai, giảm rủi ro khi mắc bệnh.
Công nghệ giải mã gene do công ty Revita sở hữu, do Giáo sư Shigeo Horie cùng nhóm nghiên cứu của ông nghiên cứu, giải mã được 3,2 tỷ tế bào gene giúp con người hiểu rõ những ẩn số về tình trạng, thể chất, dinh dưỡng và những yếu tố di truyền. Đây là cơ sở để có thể tiên liệu và lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe đúng hướng. Phương thức kết hợp giải mã ký tự gene và liệu pháp sau giải mã của Giáo sư Shigeo Horie được cho là đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng, từ trẻ sơ sinh, trẻ ở độ tuổi đến trường, người trưởng thành, người lớn tuổi… Phương thức này được thực hiện bằng cách lấy DNA từ mẫu nước bọt hoặc mẫu máu, có kết quả sau khoảng 2-3 tháng.
Sau khi có kết quả giải mã bộ gene, bệnh nhân sẽ được tư vấn chuyên sâu, giúp chủ động xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho bản thân thông qua tập luyện ăn uống, bổ sung “tố chất” theo đúng cơ địa để phòng ngừa ung thư, giảm thiểu nguy cơ tai biến và các bệnh lý mãn tính…, góp phần giúp họ có một tương lai khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ.
Các chuyên gia y tế cho rằng, thay vì phòng bệnh và các yếu tố nguy cơ gây bệnh từ sớm, đa phần người dân Việt Nam chỉ quan tâm đến các vấn đề về sức khoẻ và đi khám khi thấy xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng của bệnh. Trong khi nếu chủ động phòng ngừa, khám sức khoẻ định kỳ để sàng lọc, phát hiện sớm bệnh sẽ giúp giảm gánh nặng bệnh tật, giảm tỷ lệ chi tiêu tiền túi cho chăm sóc sức khỏe, tăng hiệu quả điều trị./.