Là một trong những chương trình được triển khai sớm tại Việt Nam (từ những năm 1956-1957), thời gian qua, Chương trình phòng chống lao quốc gia đã có những kết quả tích cực.
Đặc biệt, “Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với các giải pháp đồng bộ và đột phá sẽ góp phần giảm dần số người mắc bệnh lao trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Rút ngắn thời gian điều trị bệnh lao
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 12 trong 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất trên toàn cầu; đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Hàng năm, Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và đặc biệt có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao.
Tuy vậy, theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chương trình phòng chống lao tại Việt Nam đã được triển khai rất sớm và có những thời điểm đã từng trở thành chương trình mục tiêu quốc gia.
Bệnh lao đã có thuốc điều trị cấp miễn phí cho người dân và có vắcxin phòng bệnh cho trẻ em. Hiện nay, bệnh lao không còn được coi là một trong tứ chứng nan y nữa mà bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Chính, đại điện Ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia cho biết hiện trên cả nước đang triển khai phác đồ điều trị mới rút ngắn thời gian điều trị còn sáu tháng.
Phác đồ chữa lao hiệu quả cũng đang được phát triển để có thể rút ngắn xuống còn bốn tháng, thậm chí là ba tháng.
Việt Nam sẽ là nước áp dụng đầu tiên thuốc chống lao mới cho các trường hợp lao tiền siêu kháng thuốc vào cuối năm 2014. Hiện đã có hai loại thuốc chống lao mới được phê duyệt. Đặc biệt dự kiến năm 2018, có thể sẽ có những vắcxin mới phòng lao hiệu quả hơn BCG hiện nay.
Năm 2013, nhiều kỹ thuật mới, đột phá được áp dụng hiệu quả như kỹ thuật geneXpert chỉ trong 2 giờ có thể trả lời có vi khuẩn lao hay không, nhiều hay ít và có kháng với thuốc rifampicine hay không.
Kỹ thuật này với độ nhạy và đặc hiệu cao tương đương kỹ thuật nuôi cấy (mất 2-4 tháng theo phương pháp truyền thống). Hiện nay, cả nước đã có 32 hệ thống geneXpert đang hoạt động với thao tác thực hiện đơn giản và có thể thực hiện ngay tại tuyến huyện.
Nhiều chính sách mới từ Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết bệnh lao và công tác phòng chống lao hiện đang được quan tâm trên phạm vi toàn cầu và ở Việt Nam.
Đây là bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể chữa khỏi được nhưng đến nay vẫn có một số lượng lớn người dân bị tử vong vì bệnh lao.
Để thực hiện mục tiêu tiến tới thanh toán bệnh lao, ngày 17/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030."
Chiến lược đã đặt ra những mục tiêu cụ thể và các giải pháp phòng chống lao mang tính tổng thể, dài hạn và đột phá nhằm huy động được sự tham gia mạnh mẽ của hệ thống chính trị, các tổ chức trong và ngoài nước bảo đảm tính hiệu quả cao, bền vững góp phần quan trọng và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Chiến lược khẳng định, bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với tính mạng cũng như sức khỏe người mắc bệnh cùng với nguy cơ lây lan ra đồng đồng lớn.
Bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian. Vì vậy, công tác phòng, chống bệnh lại là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị.
Trong công tác phòng chống lao, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo các nguồn lực cho công tác phòng, chống bệnh lao; đồng thời cần huy động mọi nguồn lực xã hội để hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh lao.
Công tác phòng, chống bệnh lao chủ yếu dựa vào cộng đồng và được mạng lưới phòng chống lao và bệnh phổi từ Trung ương đến địa phương thực hiện, có sự phối hợp giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
Để công tác phòng chống lao thời gian tới đạt hiệu quả, "Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030" đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó tập trung xây dựng chế độ chính sách ưu đãi cho cán bộ, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế đang làm công tác phòng chống bệnh lao; nghiên cứu ban hành quy định để người có thẻ bảo hiểm y tế được thuận lợi trong khám chữa bệnh lao cũng như ưu đãi trong chi trả chi phí khám chữa bệnh lao từ Quỹ bảo hiểm y tế.
Chiến lược cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh việc áp dụng các kỹ thuật mới vào khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao; đầu tư nghiên cứu sản xuất thuốc trong nước đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh.
Đặc biệt sẽ tăng cường tuyên truyền về bệnh lao và công tác phòng chống lao để người dân, đặc chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành y tế cung cấp./.