Bệnh lao là căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được nếu phát hiện sớm và đúng phác đồ. Tuy nhiên công tác phòng chống căn bệnh này hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong việc chẩn đoán, phát hiện ca bệnh mới.
Hằng năm, Việt Nam vẫn ghi nhận hàng nghìn trường hợp mắc lao mới, thậm chí có nhiều đối tượng mắc lao chưa được phát hiện và đang tiếp tục lây truyền bệnh trong cộng đồng.
30% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác phòng chống lao nhưng bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng chính trên toàn cầu.
Năm 2014, ước tính toàn cầu có khoảng 9,6 triệu người mắc lao, 13% trong số này đồng nhiễm HIV. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong, trong đó có khoảng 510.000 phụ nữ. Con số tử vong này đã khiến lao trở thành một trong các bệnh gây tử vong hàng đầu ở nữ giới.
Trong khi đó, tình hình lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia. Riêng năm 2013, ước tính tỷ lệ mắc lao kháng đa thuốc toàn cầu là 3,5% trong số bệnh nhân mới và 20,5% trong số bệnh nhân điều trị lại.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nhấn mạnh bệnh lao đã tồn tại từ rất lâu và nguyên nhân chính là do vi khuẩn lao. Dù đã xuất hiện từ rất lâu nhưng mỗi năm lao vẫn gây tử vong cho gần 2 triệu người trên thế giới.
Ở Việt Nam, dù đã đạt được thành tựu đáng kể trong kiểm soát bệnh nhưng đến nay mỗi ngày vẫn có 46 người chết do lao. Hiện nay, phương tiện chẩn đoán đã đạt được nhiều tiến bộ, theo tính toán Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao nhưng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Gánh nặng bệnh lao ở Việt Nam hiện nay vẫn đang ở mức cao, đứng thứ 12 trong 20 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 130.000 bệnh nhân mắc lao mới, tuy nhiên mới chỉ phát hiện được khoảng 70%, còn 30% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện. Đây là điều đáng lo ngại, bởi những người mắc lao chưa được phát hiện sẽ nguồn lây lan bệnh ra cộng đồng.
Trong năm 2015, tổng số bệnh nhân lao các thể được phát hiện là hơn 100.000 người, trong đó có hơn 50.000 bệnh nhân lao phổi. Khu vực miền Nam có tỷ lệ người mắc lao phổi cao nhất cả nước.
So với năm 2014, số bệnh nhân lao phổi dương tính mới phát hiện trên cả nước trong năm 2015 tăng 155 người. Đặc biệt, mỗi năm Việt Nam có hơn 5.000 bệnh nhân lao kháng thuốc, trong đó gần 6% là lao siêu kháng thuốc.
Nâng cao hiểu biết cho người dân phòng bệnh
Theo báo cáo của Chương trình chống lao quốc gia, những năm qua công tác phát hiện nguồn lây vẫn gặp nhiều khó khăn do các lý do khác nhau. Trong đó, hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh.
Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.
Tổ chống lao tuyến huyện, thị xã, thành phố trình độ chuyên môn không đồng đều nên công tác phòng, chống lao còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, sự phối hợp giữa bệnh viện đa khoa và các trung tâm y tế chưa tốt, chất lượng xét nghiệm chưa đạt yêu cầu. Một điểm khó khăn nữa là công tác này chưa được xã hội hóa cao; kinh phí cho hoạt động của chương trình phòng chống lao còn hạn chế...
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung khẳng định trước đây, Việt Nam chưa có thuốc chữa và chưa có nhiều thông tin về căn bệnh này nhưng hiện nay người bệnh lao kháng thuốc, kể cả bệnh nhân siêu kháng thuốc cũng đã có phác đồ điều trị.
Phác đồ điều trị cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc trước kia kéo dài là từ 20-24 tháng khiến nhiều bệnh nhân nản. Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng phác đồ mới điều trị bệnh lao kháng thuốc, thời gian điều trị được rút ngắn chỉ còn 9 tháng, giúp tiết kiệm chi phí điều trị và chi phí phát sinh...
Tiến sỹ Nguyễn Bình Hòa, Thư ký Chương trình chống lao quốc gia nhấn mạnh mục tiêu của Chương trình chống lao Quốc gia đến năm 2020 là Việt Nam cố gắng giảm tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng xuống còn 131/100.000 người dân; giảm số người chết do lao xuống dưới 10/100.000 người dân; 100% bệnh nhân lao được điều trị với công thức điều trị chuẩn của Chương trình và được cung cấp các loại thuốc chống lao đầy đủ, bảo đảm chất lượng.
Đồng thời, Việt Nam sẽ xây dựng một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi bao gồm các đơn vị và cá nhân trong nước, quốc tế nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện chiến lược toàn cầu thanh toán bệnh lao. Từ đó sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong chuyên ngành lao tại các tuyến y tế trên cả nước.
Để hoạt động phòng, chống lao ở cơ sở phát huy hiệu quả, điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để họ chủ động phát hiện, phòng chống bệnh cho bản thân và cộng đồng. Đây không chỉ là trách nhiệm của cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống lao mà còn cần sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân.
Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng cách./.