Vietnam Airlines sẽ phục hồi 'sức khỏe' hoàn toàn vào năm 2023

Vietnam Airlines dự báo thị trường hàng không nội địa nước ta trong năm nay và sang năm phục hồi từng bước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Hệ số sử dụng ghế bay của Vietnam Airlines chỉ mới lấp đầy 86%. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Hệ số sử dụng ghế bay của Vietnam Airlines chỉ mới lấp đầy 86%. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bức tranh hàng không vẫn còn ảm đảm khi dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ tới các hãng hàng không khiến dòng tiền “bay hơi” nhanh chóng. Vietnam Airlines dự báo, thị trường hàng không nội địa nước ta trong năm nay và sang năm phục hồi từng bước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, riêng thị trường quốc tế phải còn rất lâu mơi có thể phục hồi.

Bay nhiều liệu đã có lãi?

Tại buổi gặp mặt báo chí quý 3/2020 vào sáng ngày 13/10 của Vietnam Airlines, theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và phát triển Vietnam Airlines, Nhận định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (IATA) về thị trường hàng không thế giới năm 2020 vào cuối tháng 9/2020 cho thấy sản lượng hành khách, doanh thu đều sụt giảm.

Sản lượng hành khách luân chuyển năm 2020 toàn thế giới giảm 66% so với cùng kỳ năm 2019; chỉ 50% số người được phỏng vấn sẵn sàng di chuyển bằng đường hàng không; hệ số sử dụng ghế mới chỉ đạt khoảng 60% và thấp hơn nhiều so với điểm hòa vốn (với chi phí như hiện tại, doanh thu dự kiến hệ số lấp đầy phải trên 80% mới bắt đầu hòa vốn); số khách đặt chỗ trong quý 4/2020 giảm 78% so với cùng kỳ...

Tại Việt Nam, Vietnam Airlines dự tính lượng khách nội địa ước đạt 29,6 triệu khách, giảm 22% so với cùng kỳ. Tháng 9/2020, sản lượng hành khách tương đương với năm 2019, tổng doanh thu chỉ đạt 41% so với cùng kỳ bởi các hãng hàng không đều đưa máy bay dư thừa vào khai thác, mở nhiều đường bay với các chương trình kích cầu nên giá giảm mạnh.

“Vietnam Airlines đặt ra mục tiêu đẩy nhanh khai thác tại thị trường nội địa, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nguồn thu cho Tổng công ty, tăng thị phần Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) và thực hiện kích cầu du lịch đảm bảo giao thương nội địa. Hoạt động khai thác đang đạt 30-35% năng lực của Vietnam Airlines,” ông Trung cho hay.

[Vietnam Airlines sẽ được Nhà nước 'bơm vốn' để vượt dịch COVID-19]

Tiết lộ hệ số sử dụng ghế bay của Vietnam Airlines lấp đầy 86% - gần như cao nhất trên thế giới - ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines khẳng định công ty vẫn chưa đạt điểm hòa vốn.

"Để đạt tới điểm hòa vốn hay không còn phụ thuộc vào mức giá bán, trong khi thời gian qua, các hãng tăng tải ồ ạt, kích cầu du lịch nên giá vé rất thấp. Nếu tính đủ chi phí thì chưa đạt mức hòa vốn," ông Hiền cho biết.

“Chỉ khi số lượng khách quay trở lại sức mua trước thời điểm COVID-19 thì ngành hàng không mới hồi phục. Theo dự báo của IATA  thì đến cuối năm 2021, toàn bộ các đường bay dài mới phục hồi. Vietnam Airlines dự báo thị trường hàng không nội địa nước ta trong năm nay và sang năm phục hồi từng bước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, riêng thị trường quốc tế còn xa,” vị Trưởng ban Kế toán Vietnam Airlines nói.

Từ đó, ông Hiền đưa ra nhận định, thị trường hàng không chỉ sinh lời khi phục hồi hoàn toàn. Vietnam Airlines có thể sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2023 và hãng tự tin về “sức khỏe” tài chính như trước thời điểm dịch COVID-19.

Sự đổ vỡ Vietnam Airlines sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế

IATA cũng đưa ra đánh giá tại thời điểm hết tháng 6/2020, hầu hết các hãng hàng không chỉ còn 8,5 tháng cầm cự để duy trì hoạt động sản xuất. Dự kiến từ nay cho đến hết năm 2021, doanh thu của các hãng hàng không hàng tháng đều thâm hụt tiền chi trả so với doanh thu về.

Theo báo cáo của Vietnam Airlines, hết chín tháng có doanh thu gần 24.000 tỷ đồng, tương đương 42% so với năm trước, giảm rất sâu; lợi nhuận hợp nhất lỗ 10.750 tỷ đồng (bằng 70% lỗ kế hoạch năm 2020), dư tiền 1.938 tỷ đồng, vay ngắn hạn 5.242 tỷ đồng, các khoản phải trả giãn hoãn 4.268 tỷ đồng.

Khẳng định mức dự trữ tiền mặt chỉ để “nuôi” hãng khoảng 2,5 tháng nếu ngừng hoạt động và rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, theo ông Hiền, ngay từ khi bị tác động ảnh hưởng của COVID-19, Vietnam Airlines đã báo cáo với cơ quan Nhà nước và có gói hỗ trợ Chính phủ đối với hãng. Tuy nhiên, gói hỗ trợ này cần có thời gian bởi thủ tục có nhiều nội dung, quy định phải phù hợp với pháp lý và đảm bảo tính thực thi.

Vietnam Airlines sẽ phục hồi 'sức khỏe' hoàn toàn vào năm 2023 ảnh 1Máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trả lời câu hỏi về việc trước đó vào tháng 8/2020, phía Vietnam Airlines cho rằng nếu không được bơm vốn sẽ hết tiền nhưng hiện vẫn hoạt động bình thường, ông Hiền cho biết nếu không chủ động đưa ra các giải pháp thì chắc chắn sẽ hết tiền.

Cụ thể, hãng đã chủ động đưa ra các giải pháp như cân đối sản xuất kinh doanh, chủ động cắt giảm chi phí hoạt động trên 5.335 tỷ đồng; làm việc với các ngân hàng để tái cơ cấu các khoản vay, làm việc với các ngân hàng thương mại duy trì bổ sung hạn mức tín dụng và sử dụng linh hoạt hiệu quả hạn mức vay ngắn hạn để đảm bảo thanh khoản; tiếp tục đề xuất các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước đối với hãng hàng không (kéo dài thời gian giảm giá dịch vụ hàng không, giảm thuế môi trường nhiên liệu bay...); đề xuất kiến nghị và triển khai các giải pháp hỗ trợ thanh khoản của cổ đông Nhà nước.

[Cần trao ''kiếm lệnh'' để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines]

Mặt khác,trong lúc khó khăn, các bạn hàng đã hỗ trợ và Vietnam Airlines làm việc với ngân hàng Ngân hàng Vietcombank là đối tác của hãng nên hiểu rõ chiến lược và rủi ro nhưng cũng đặt niềm tin vào phương án kinh doanh và khả năng trả nợ.

Bác bỏ có thông tin liên quan tới việc Vietnam Airlines xin Chính phủ phá sản, ông Hiền quả quyết, Vietnam Airlines là hãng hàng không Quốc gia, trong bối cảnh COVID-19, sự quan tâm không chỉ của hãng mà còn Chính phủ để duy trì vị thế, thương hiệu hình ảnh của hãng trên thế giới.

“Sự đổ vỡ Vietnam Airlines mang lại nhiều ảnh hưởng tới Chính phủ về nền kinh tế. Vietnam Airlines sẽ là doanh nghiệp tìm mọi giải pháp với niềm tin vượt qua COVID-19,” ông Hiền kỳ vọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục