Trải qua các lần bán (đấu giá, chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế), tàu Vinalines Sky của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vẫn không bán thành công do đơn vị chào hàng đưa ra giá thấp hơn giá khởi điểm phê duyệt.
“Đại há giá” vẫn thấp hơn kỳ vọng
Tàu Vinalines Sky có số IMO9168269, có trọng tải 42.717 DWT, được đóng năm 1997 tại Ishikawa, Nhật Bản. Tàu được mua năm 2007 với mức giá 661 tỷ đồng. Tàu có độ tuổi 21 - độ tuổi được xác định là “già” để khai thác, không có người thuê, phải neo chờ hàng dẫn đến tổn thất về doanh thu hoặc bị ép giá.
[Vì sao Vinalines phải bán thanh lý hàng loạt tàu để cắt lỗ?]
Chưa kể, tàu này cần chi phí bảo dưỡng lớn, trong khi mức cước quá thấp không thể bù đắp nổi chi phí dẫn đến kết quả hoạt động khai thác các tàu này luôn thua lỗ kéo dài. Do đó, việc lập kế hoạch thanh lý các tàu được tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở cắt lỗ và có tiền tái đầu tư.
Trước đó, Vinalines đã thuê Công ty cổ phần bán đấu giá tài sản Việt Nam làm đơn vị cung cấp dịch vụ tổ chức đấu giá và tổ chức bán chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế, chào bán với giá khởi điểm là 154,38 tỷ đồng, tương đương 6,7 triệu USD. Tuy nhiên, cuộc đấu giá không thành công do không có khách hàng nào quan tâm mua hồ sơ và đặt cọc.
Ngay sau khi việc tổ chức đấu giá không được như kỳ vọng, Vinalines chuyển hình thức bán tàu từ đấu giá sang chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế. Dù nhận được 11 thư chào giá nhưng mức giá được đơn vị trả cao nhất là 72,8 tỷ đồng (3,1 triệu USD), vẫn không đạt như giá khởi điểm đưa ra.
Vinalines đã xây dựng dự án bán tàu lần thứ hai và lựa chọn giá khởi điểm cho người mua là 93,4 tỷ đồng, (4,1 triệu USD, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo kết quả chào giá cạnh tranh mua tàu, Vinalines nhận được tổng cộng 8 thư chào giá nhưng không có người mua nào đưa giá bằng và cao hơn giá khởi điểm 4,1 triệu USD đã được Vinalines phê duyệt.
Theo bản kết quả chào giá trên, người mua có giá chào cao nhất gần sát với giá khởi điểm là Công ty cổ phần Vật tư Hàng Hài H.P.C (Công ty HPC) với giá chào 89,5 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương khoảng 3,9 triệu USD).
[Vinalines bán tàu không thu hồi đủ vốn đầu tư nhằm cắt lỗ kéo dài]
Mặc dù Vinalines liên hệ đàm phán với Công ty HPC để đàm phán giá, đề nghị người mua tăng giá, tuy nhiên, phía Công ty HPC thông báo giá chào như trên là giá tốt nhất mà đơn vị đã trả và không thế tưng thêm.
Theo đánh giá của Vinalỉnes, việc tổ chức bán tàu Vinalines Sky đã thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch và chào bán thực hiện rộng rãi, trải qua các lần bán (tính cả lần đàm phán cuối cùng), mức giá mà Công ty HPC đã trả là mức giá cao nhất từ trước đến nay và gần đạt được mức kỳ vọng, phê duyệt của Vinlaines.
Không bán sẽ tiếp tục rớt giá
Trong thời gian tàu neo chờ bán, Vinalines vẫn phải trả chi phí duy trì tàu, mặc dù đã tiết giảm tối đa các chi phí như chỉ sử dụng máy phát sự cố thay cho máy đèn, neo chờ tại khu vực có mức phí neo đậu thấp nhất, cắt giảm thuyền viên xuống mức thấp nhất theo định biên tối thiểu (từ 22 xuống 14 thuyền viên), giảm lương thuyền viên chỉ còn 75% so với mức cũ... tuy nhiên, chi phí duy trì tàu hiện tại phát sinh vẫn lớn, khoảng 2.000 USD/ngày (khoảng hơn 40 triệu đồng/ngày, chưa tính quản lý phí).
“Việc bán tàu càng chậm thì thiệt hại càng lớn cho Vinalines và tàu ngày càng xuống cấp do quá hạn đăng kiểm, sửa chữa lớn, giảm giá trị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho thuyền viên, tàu nhất là khi mùa mưa bão sắp tới,” lãnh đạo Vinalines đánh giá.
Mặt khác, phía Vinalines cũng phân tích, tàu Vinalines Sky đã 21 tuồi, các bản chào của người mua nước ngoài trong thời gian vừa qua cũng tham chiếu đến giá bán trên thị trường thế giới nên có thể mức giá nếu tiếp tục chào bán vòng 3 sẽ giảm, không đạt được mức giá cao nhất mà Công ty HPC đã chào.
Theo tính toán của Vinalines, nếu tiếp tục bán vòng 3, làm lại một quy trình bán tàu như hai lần trước bao gồm xác định giá khởi điểm, lập dự án bán tàu, thẩm định dự án, phê duyệt dự án, tổ chức bán (bao gồm bán đấu giá trước và chào hàng cạnh tranh sau), thời gian tối thiểu sẽ mất khoảng 1,5 tháng nữa (thực tế việc tổ chức bán hai lần mất khoảng 4 tháng), phát sinh chi phí neo tàu chờ bán rất lớn.
[Vinalines bán tàu thanh lý: Quyết tâm bán vì càng "ôm" càng lỗ]
Hơn nữa, lãnh đạo Vinalines thừa nhận, nếu làm lại một vòng nữa cũng không thành công thì sẽ rất phức tạp, có thể rơi vào tình thế luẩn quẩn và phát sinh chi phí neo chờ bán rất lớn (tối thiểu khoảng 100.000USD - khoảng 2,2 tỷ đồng) cho Vinalines.
“Tàu neo chờ lâu ngày, quá hạn sửa chữa, phát sinh hỏng hóc, giá trị giảm và nếu thị trường mua bán tàu tiếp tục đi xuống thì thiệt hại phát sinh rất lớn, chưa thể tính toán được hết,” lãnh đạo Vinalines khẳng định.
Trước thực trạng trên, Vinalines phân tích việc bán tàu Vinalines Sky trên tất cả các khía cạnh và thống nhất điều chỉnh, phê duyệt giá khởi điểm mới theo mức giá chào cùa Công ty HPC là 89,5 tỷ đồng (khoảng 3,92 triệu USD) làm cơ sở đàm phán bán tàu./.
Trước đó năm 2016, Vinalines cũng xin bán gấp 6 con tàu gồm Vinalines Global, Vinalines Trader, Vinalines Fortuna, Vinalines Star, Vinalines Ocean, Vinalines Ruby với trọng tải khoảng 125.000 DWT khiến quy mô đội tàu giảm chỉ còn 92 chiếc với tổng trọng tài 1,8 triệu DWT.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2017 của Vinalines lên Bộ Giao thông Vận tải, tổng doanh thu hợp nhất của Vinalines ước đạt 14.856 tỷ đồng, tăng 19,1% so với kế hoạch 2015, lợi nhuận ước đạt 48 tỷ đồng so với mục tiêu cân bằng tài chính do khối vận tải biển giảm lỗ từ thực hiện tái cơ cấu tài chính; riêng Công ty mẹ đạt doanh thu 3.187 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 483 tỷ đồng.