Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết trước bối cảnh nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất khẩu trang càng ngày càng khó khăn, Vinatex đã chỉ đạo các đơn vị thành viên sắp xếp lại các chuyền may để phục vụ sản xuất khẩu trang, phục vụ nhu cầu trong nước.
Tính đến ngày 7/2, Vinatex đã cung ứng ra thị trường hơn 500.000 khẩu trang vải và hơn 100.000 khẩu trang vải không dệt có phun kháng khuẩn.
Riêng số lượng khẩu trang sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dệt Kim Đông Xuân (được dùng cho trẻ sơ sinh và bệnh viện tại Nhật Bản theo tiêu chuẩn Nhật Bản) đưa ra thị trường là hơn 250.000 sản phẩm.
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, vải xử lý kháng khuẩn của Đông Xuân cung cấp sang Nhật Bản đều được khách hàng cho kiểm tra theo Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản JIS L 1902 “Kiểm tra tính năng và hiệu quả kháng khuẩn đối với các sản phẩm dệt may.” Phương pháp này tương đồng với phương pháp AATCC 100 của Mỹ và phương pháp ISO 20743.
Theo phương pháp JIS L1902, vi khuẩn được nuôi cấy vào các mẫu vải trong một khoảng thời gian nhất định rồi ủ trong tủ ấm ở nhiệt độ tương đương nhiệt độ cơ thể người trong 18 giờ, sau đó đong đếm số lượng vi khuẩn để đánh giá mức độ tăng hay giảm của vi khuẩn so với trước khi ủ và so với mẫu đối chứng không có xử lý kháng khuẩn.
“Trên cơ sở đó đánh giá được khả năng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn của mẫu vải được xử lý kháng khuẩn. Vải kháng khuẩn của Đông Xuân là vải qua kết quả kiểm tra có lượng vi khuẩn ít hơn vải thông thường 100 lần, duy trì được tỷ lệ kháng khuẩn này sau 30 lần giặt,” ông Lê Tiến Trường nói.
[Vinatex cam kết sản xuất khẩu trang tương đương chi phí sản xuất]
Cũng theo lãnh đạo Vinatex, trong 30 năm gần đây, Công ty Đông Xuân thường xuyên sản xuất loại vải này theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của khách hàng truyền thống Nhật Bản, dùng để may đồ cho trẻ sơ sinh, quần áo bác sĩ trong bệnh viện Nhật Bản...
Vải này cũng phù hợp để may khẩu trang dùng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, những người chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện, những người có tiếp xúc với bệnh nhân… với tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn từ môi trường thâm nhập qua đường mũi, miệng, và ngăn vi khuẩn từ người bệnh lan ra môi trường qua ho, hắt hơi.
Dự kiến từ ngày 12/2, công suất may khẩu trang vải kháng khuẩn của Đông Xuân sẽ đạt khoảng 200.000 khẩu trang/ngày; công suất may khẩu trang của toàn hệ thống Vinatex sẽ đạt 320.000-350.000 chiếc/ngày và nâng lên 450.000 -500.000 chiếc/ngày vào 17/2
Ông Trường thông tin thêm: Theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch do virus nCoV, khẩu trang do các doanh nghiệp thuộc Vinatex sản xuất sẽ được ưu tiên cung ứng cho các đơn hàng từ các tổ chức lớn từ các tỉnh thành trong cả nước và họ có trách nhiệm phân phối đúng đối tượng có nguy cơ cao đáng sử dụng khẩu trang trước, như y tế, quân đội, hàng không, ngân hàng, trường học…
“Chỉ 10% số lượng hàng sản xuất được đưa ra thị trường bán lẻ. Vinatex cũng đang tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp dệt may trong và ngoài Tập đoàn chung tay sản xuất khẩu trang phục vụ nhân dân và bình ổn thị trường,” ông Lê Tiến Trường cho biết./.