Trước tình hình tai nạn giao thông đường sắt gia tăng và có diễn biến phức tạp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa đưa ra hàng loạt các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm kiềm chế tai nạn.
Theo báo cáo của VNR, trong những ngày vừa qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng tại các vị trí giao cắt, đặc biệt là tại đường ngang biển báo, lối đi tự mở, gây thiệt hại lớn về người, tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông vận tải đường sắt.
“Nguyên nhân của các vụ tai nạn được xác định chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát, không chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông khi đi qua các vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường bộ,” lãnh đạo VNR chỉ rõ.
Chỉ tính riêng trong tháng 7/2019, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông đường sắt, tăng 12,5%, làm chết 17 người, tăng 21,4% và làm bị thương 23 người, tăng 76,9%.
Qua tổng hợp, phân tích cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, các vụ tai nạn giao thông đường sắt chủ yếu xảy ra trên lối đi tự mở và dọc hai bên hành lang đường sắt, chiếm 78%, còn lại là đường ngang biển báo, cảnh báo tự động có cần chắn tự động.
[Vì sao tai nạn đường sắt vẫn luôn tiềm ẩn, thường trực mỗi ngày?]
Một số địa phương xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt (từ 5 vụ trở lên) gồm Hà Nội (19 vụ), Khánh Hòa (16 vụ), Hải Dương (10); Bắc Giang, Thanh Hóa (9 vụ), Hà Nam, Nghệ An (8 vụ); Thừa Thiên Huế (7 vụ), Đồng Nai (6 vụ); Nam Định, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam (5 vụ).
Nhằm hạn chế tai nạn giao thông đường sắt tại các vị trí đường ngang biển báo và lối đi tự mở, trong thời gian qua, VNR đã thực hiện một số giải pháp như bố trí lao động (đoàn viên thanh niên tình nguyện) trực cảnh giới tại 44 đường ngang biển báo có nguy cơ cao về tai nạn giao thông trong đợt cao điểm vận tải Hè 2019 (từ ngày 10/6 đến hết ngày 31/7/2019, thời gian cảnh giới hàng ngày từ 6-21 giờ).
Trong thời gian tới, VNR đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, trong đó có hành vi mở lại lối đi tự mở đã được đóng, nhổ bỏ cọc thu hẹp lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang, điều khiển phương tiện giao thông đường bộ cố tình vượt qua đường sắt khi cần chắn tự động đã hạ xuống, dàn chắn, cần chắn đã đóng (gây hư hỏng cần chắn tự động, cần chắn, dàn chắn tại các đường ngang),...không giảm tốc độ trước khi qua giao cắt giữa đường bộ-đường sắt...
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có ý kiến với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua gắn kết quả thực hiện với trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương; tích cực khắc phục các tồn tại; chủ trì, phối hợp với VNR tiến hành rà soát, xây dựng lộ trình giảm dần, xóa bỏ các lối đi tự mở trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, 2025.
Các cơ quan Nhà nước nghiên cứu, phát động xã hội hóa công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các lối đi tự mở qua đường sắt, nhằm kêu gọi, thu hút sự góp sức của cộng đồng để thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ-đường sắt.
“Dừng lại quan sát trước khi qua đường ngang vì an toàn của bản thân và xã hội” là thông điệp mà ngành đường sắt muốn gửi tới những người dân, người tham gia giao thông./.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tai nạn giao thông sáu tháng đầu năm 2019 (tính từ ngày 15/12/2018 đến 14/6/2019), đường sắt xảy ra 75 vụ, làm chết 53 người, bị thương 30 người. So với cùng kỳ năm 2018, tai nạn giao thông đường sắt tăng 14 vụ (+22,9%), tăng 4 người chết (+8,1%), tăng 5 người người bị thương (+20%). Thống kê của VNR cho thấy, hiện trên mạng lưới đường sắt Việt Nam có 5.719 giao cắt đồng mức, trong đó đường ngang chính tắc có 1.519, còn lại là 4.058 lối đi tự mở, chiếm hơn 70% tổng số điểm giao cắt đồng mức đường bộ, đường sắt. Ngoài ra, còn có khoảng 14.000 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. |