Ngày 26/7, đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết sau khi tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn, quận Ba Đình đã chỉ đạo đơn vị liên quan triển khai hạ cẩu tháp và vận thăng lồng tại tòa nhà 8B Lê Trực.
Chỉ đạo trên nhằm để đảm bảo an toàn cho người cũng như các phương tiện tham gia giao thông xung quanh khu vực, đặc biệt trước những diễn biến phức tạp của thời tiết trong mùa mưa bão và yêu cầu phải duy trì, bảo dưỡng thiết bị trong quá trình sử dụng,
Cụ thể, sau bốn ngày tháo dỡ, cẩu tháp đã được hạ an toàn từ tầng 19 của tòa nhà, không xảy ra sự cố bất thường nào. Công ty Thăng Long (đơn vị quản lý cẩu tháp) cũng đã tiếp nhận thiết bị để tiến hành ngay các công việc bảo dưỡng theo định kỳ. Điều này nhằm đảm bảo hiệu quả, tính năng vận hành của cẩu tháp. Cùng đó, tiếp tục phục vụ việc xử lý giai đoạn hai của công trình theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng.
Như vậy, có thể thấy, việc xử lý vi phạm tại tòa nhà sai phép 8B Lê Trực đã kéo dài nhiều năm gây mất mỹ quan đô thị và nhiều nguy cơ mất an toàn, gây nhức nhối trong dư luận nhân dân. Đặc biệt, việc chậm xử lý vi phạm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và kinh tế của gần 200 hộ dân đã nộp tiền mua nhà từ 80-90% giá trị căn hộ tại công trình này. Trong khi đó, mặc dù đã gần ba năm hoàn thành việc phá dỡ giai đoạn một (cắt bỏ hoàn toàn tầng 19), quận Ba Đình chưa có được phương án xử lý giai đoạn hai từ các cơ quan chuyên môn.
[Vụ 8B Lê Trực: Muốn phá dỡ giai đoạn 2 phải phá bỏ cả tòa nhà?]
Mới đây, đại diện đơn vị được giao nhiệm vụ xử lý vi phạm tòa nhà 8B Lê Trực là Công ty cổ phần hạ tầng Phương Bắc cho biết, trên cơ sở thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn hai của Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn Đại học Xây Dựng cho thấy, việc xử lý giai đoạn hai vô cùng khó khăn do công trình có kết cấu phức tạp.
Tại nóc tầng 18 theo thiết kế có dầm treo cao 1,8m vượt nhịp 17m thiết kế để treo hai cột công trình ở mặt đường Trần Phú. Do vậy, phá dỡ dầm, sàn, cột, vách từ tầng 18 tới cao độ + 55,20m bằng cao độ sàn tầng 17 ảnh hưởng đến hệ kết cấu treo do không còn điểm treo (vì đã phá mất dầm treo trên nóc tầng 18) và muốn phá dỡ thì phải gia cố kết cấu trước khi phá dỡ.
Cụ thể là phải bổ sung hai cột gia cường chống hàng cột ngoài trục D, từ tầng 3 xuyên qua tầng hầm xuống móng, song do dầm treo bị phá dỡ, nên hệ treo không còn tác dụng. Vì vậy, cần kiểm định khả năng an toàn chịu lực của hai cột phía bên trên các cột được gia cường (từ tầng 3-17) do các cột thay đổi trạng thái chịu lực.
Cũng theo kết quả phân tích này, về lý thuyết để phá dỡ được từ tầng 18 đến hết tầng 17 phải gia cố hai cột từ tầng ba xuyên qua tầng hầm xuống móng. Trên thực tế, để gia cố được hai cột này thì phải đưa máy móc thiết bị vào bao gồm máy khoan bê tông, máy khoan cọc nhồi cỡ lớn. Nhưng công trình đã xây xong phần thô và đang hoàn thiện nên không có chỗ đỗ máy để thực hiện, không thể gia cố được hai cột dầm đảm bảo kỹ thuật và an toàn.
Như vậy, công trình này là kết cấu dầm treo (tương tự kết cấu cầu treo) nên không phải như một công trình kết cấu thường, hay như một đống gạch cứ dỡ từ trên xuống là được mà muốn phá dỡ phải gia cố hai cột để thay cho dầm treo.
Lãnh đạo Công ty cổ phần hạ tầng Phương Bắc cho rằng, việc phá dỡ giai đoạn hai nếu tiến hành thì phải phá bỏ cả tòa nhà rất lãng phí tài sản xã hội. Phía công ty đề nghị các cơ quan chức năng cho xử lý dứt điểm giai đoạn hai nhà 8B Lê Trực theo hướng phù hợp. Nếu công trình không làm ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, đề nghị cho đo đạc toàn bộ số m2 sai phạm giai đoạn hai; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư mua lại bằng giá giao dịch bán căn hộ đã ký với người dân nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước.
Quận Ba Đình và đơn vị phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực vẫn đang chờ quyết định xử lý vi phạm giai đoạn hai từ các cấp chính quyền và cơ quan chức năng có thẩm quyền nhằm xử lý nghiêm những vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, đồng thời phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, an toàn theo đúng chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội./.