Sau vụ tai nạn đường thủy dẫn đến sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) mới đây, Đại biểu Trương Minh Hoàng (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) cho rằng trong quá trình vận hành đường thủy, đường sắt cần có tính toán, gia cố, bảo vệ an toàn nhằm tránh những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại lớn.
- Thưa đại biểu, gần đây đã xảy ra một số vụ tai nạn đường thủy đáng tiếc, trong đó có vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh. Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là quy hoạch cầu của chúng ta chưa đồng bộ. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Đại biểu Trương Minh Hoàng: Việt Nam có những đường sông cắt trục bề ngang đất nước nên dù muốn hay không cũng phải thực hiện đường bộ đi qua sông.
Theo tôi, cái quan trọng ở đây chính là quá trình đấu nối, gắn kết giữa giao thông thủy-bộ mà cụ thể khi làm trụ cầu phải tính toán, đặc biệt ở các tuyến đường có yếu tố huyết mạch. Bởi lẽ, khi sự cố xảy ra sẽ gây ách tắc, ảnh hưởng tới kinh tế, quốc phòng an ninh. Riêng với đường bộ, phải tính tới yếu tố dự phòng, gia cố trụ cầu. Đối với những chiếc cầu xây dựng sau này, chúng ta phải tính toán đến trụ cầu để tránh phương tiện va đập vào.
Mặt khác, cần phải cảnh báo, kiểm soát các phương tiện đi lại tham gia giao thông đường thủy. Hầu hết các cầu tính đến độ thông thuyền và thường có biển báo chiều cao, độ rộng, song một số chủ phương tiện tham gia bản thân phương tiện tham gia không ý thức rõ điều này.
Ví dụ như trường hợp các phương tiện đường thủy có mui trần, lúc tải trọng nặng độ cao không tới cầu, nhưng đến khi chạy không tải thì chiều cao này sẽ tăng và khi cộng với nước thủy triều lên mà không lường trước được sẽ dễ dẫn đến các sự cố đáng tiếc.
Tôi nghĩ cơ quan chức năng nên tổng kiểm soát xem các cầu xem nơi nào chưa đủ điểm cảnh báo về độ cao thì nên báo rõ ràng, tránh trường hợp khuất tầm nhìn. Bên cạnh đó, cần gia cố trụ cầu, tránh trường hợp phương tiện tham gia giao thông va đập trực tiếp vào.
- Ông đánh giá thế nào về thái độ tham gia giao thông đường thủy hiện nay của người dân?
Đại biểu Trương Minh Hoàng: Đa số người tham gia giao thông đã có ý thức. Cơ quan chức năng cũng đã có các chương trình như cấp bằng lái, kiểm tra khi tham gia giao thông có đảm bảo đủ áo phao hay không… giúp ý thức của người dân tăng lên.
Tuy nhiên trong thực tế vẫn có một số bộ phận còn thiếu trách nhiệm trong tham gia giao thông, xem thường tính mạng của mình và những người mình vận chuyển.
Chúng tôi tiếp xúc với cử tri, nhiều bà con phản ánh có phương tiện đường thủy chạy qua với tốc độ cao, tạo sóng lớn va đập, bắn nước vào người khác, tạo xói lở…
- Có ý kiến cho rằng, hiện trên đất nước ta còn nhiều cầu cũ, dẫn đến việc dễ bị sập khi xảy ra va chạm với phương tiện lưu thông. Ông nghĩ sao về việc này?
Đại biểu Trương Minh Hoàng: Tôi cho rằng cần phải kiểm tra, kiểm soát và nếu thấy cầu nào cần phải thay thế thì phải đầu tư kinh phí làm ngay.
Mặt khác, đối với những cây cầu an toàn nhưng cách xây dựng cũ thì cần gia cố trụ chống đỡ. Ví dụ như cắm giàn trụ chống va đập bên ngoài trụ cầu, để các phương tiện có sơ xuất có thể va đập vào giàn này, tránh trực tiếp vào trụ cầu.
Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu dẫn đến nước biển dâng khá bất thường. Trước đây, chúng ta đo mực nước và tính độ thông thuyền nhưng giờ mực nước đã khác thì phải tính toán, quan trắc lại để có cảnh báo, đảm bảo hơn trong vấn đề tham gia giao thông, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra như vừa rồi.
- Xin cảm ơn ông!