Ngày 5/7 - đánh dấu mốc mới khi Việt Nam vượt ngưỡng 20.000 trường hợp mắc COVID-19, với 20.261 ca.
Trước đó, vào ngày 12/6, Việt Nam đã cán mốc hơn 10.000 trường hợp mắc bệnh COVID-19. Như vậy, chỉ trong chưa đầy 1 tháng của đợt dịch lần thứ 4 này đã ghi nhận thêm hơn 10.000 trường hợp mắc COVID-19.
Nhiều biến chủng mới, nguy cơ bùng phát dịch
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến nay Việt Nam chia làm 4 giai đoạn chống dịch COVID-19.
Giai đoạn 1 (từ ngày 23/1/2020-24/7/2020): 415 ca mắc COVID-19, trong đó có 106 ca mắc trong nước và 309 ca nhập cảnh.
Giai đoạn 2 (từ ngày 25/7/2020-27/1/2021): 1.136 ca COVID-19, trong đó có 554 ca mắc trong nước và 582 ca nhập cảnh.
Giai đoạn 3 (từ ngày 28/1/2021-26/4/2021): 1.301 ca COVID-19, trong đó có 901 ca mắc trong nước và 391 ca nhập cảnh.
Giai đoạn 4 (từ ngày 27/4/2021-đến nay): 17.409 ca COVID-19, trong đó có 16.833 ca mắc trong nước và 576 ca nhập cảnh.
Như vậy, đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 20.261 ca mắc COVID-19, riêng đợt dịch thứ 4 có hơn 17.000 ca mắc.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trên thế giới dự báo dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có khả năng kiểm soát trong năm 2021. Có thể dịch COVID-19 tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn, mạnh hơn. Nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao.
[Thêm 328 ca mắc mới, Việt Nam vượt mốc 20.000 ca COVID-19]
Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát về tổng thể. Tại Hà Nội, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Tại Bắc Giang, Bắc Ninh, tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát và đã bắt đầu ổn định. Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, thành phố Đà Nẵng và một số địa phương đã rất nỗ lực để nhanh chóng kiểm soát được tình hình.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp và dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã lưu hành trong một thời gian dài tại nhiều nơi, trong đó có các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch như các nhà máy, khu công nghiệp, các chợ dân sinh...
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định các địa phương đang nỗ lực, khẩn trương và đã kịp thời đưa ra các biện pháp giãn cách phù hợp để có thể sớm kiểm soát tình hình. Tuy nhiên việc triển khai biện pháp phòng, chống dịch đang gặp một số khó khăn, đã có những lúng túng, bị động khi số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn.
Điểm nóng: Thành phố Hồ Chí Minh
Thời gian gần đây tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp. Số ca mắc tăng cao với nhiều ổ dịch trong cộng đồng, nhiều trường hợp chưa rõ nguồn lây. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Phú Yên, Quảng Ngãi liên tục ghi nhận số ca mắc mới. Một số nơi, người dân chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch...
[Để những bước chân tình nguyện mùa dịch lan tỏa tình người và sự tử tế]
Theo thống kê, ngày 18/5 Thành phố Hồ Chí Minh mới chính thức có ca mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng là một nhân viên công ty ở quận 3, cư trú tại chung cư Sunview Town (phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức).
Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng rưỡi kể từ ca mắc COVID-19 đầu tiên, đến 10h sáng nay (5/7), số ca mắc ở Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 6.034 trường hợp mắc bệnh.
Có một điều khá đặc biệt so với các tỉnh, thành khác là trong cùng một đợt, Thành phố Hồ Chí Minh đang trải qua 2 làn sóng dịch bệnh đáng chú ý.
Làn sóng thứ 1 từ 18/5 đến 14/6, với tâm điểm là chuỗi lây nhiễm tại nhóm truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp). Ổ dịch này bùng phát lan rộng khắp 21/22 quận, huyện và cho đến nay ghi nhận có gần 600 ca mắc COVID-19.
Làn sóng thứ 2 bắt đầu từ ngày 15/6, từ vài ca chỉ điểm ban đầu đã dần xâm nhập sâu vào các khu nhà trọ, cụm dân cư, tòa nhà văn phòng, chung cư... Từ đó tiếp tục lan ra các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Số lượng ca mắc mới tại Thành phố Hồ Chí Minh liên tục gia tăng nhanh chóng trong những ngày gần đây.
Từ 18/5 đến 16/6: 1.000 ca; từ 16/6 đến 23/6 lên 2.000 ca; từ 23/6 đến 26/6 lên 3.000 ca; từ 26/6 đến 30/6 lên 4.000 ca; từ 30/6 đến 3/7 lên 5.000 ca và từ 3/7-5/7 lên 6.000 ca.
Nhìn vào các mốc thời gian nêu trên có thể nhận thấy chu kỳ ghi nhận thêm 1.000 ca mắc mới đang ngày càng ngắn lại. Nếu như ở cột mốc đầu tiên (18/5 đến 16/6), Thành phố Hồ Chí Minh phải gần 1 tháng mới đạt ngưỡng 1.000 ca mắc COVID-19, thì chỉ trong vòng nửa tháng (16/6 đến 30/6) đã vượt ngưỡng 4.000 ca. Những ngày gần đây, trong vòng 3-4 ngày đã đạt ngưỡng 1.000 ca mắc.
Với sự đe dọa của chủng virus Delta (phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) có đặc tính lây nhiễm nhanh và mạnh, Bộ Y tế cho rằng tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh còn có thể tăng nhanh trong thời gian tới.
Nhận định về tình hình dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng "vẫn còn rất phức tạp, khó lường, nhất là về số lượng ca mắc COVID-19."
Do đó, ngành y tế tiếp tục chuẩn bị kế hoạch "gối đầu" điều trị 10.000 hoặc thậm chí 15.000 ca bệnh, được phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng.
Dịch phức tạp càng phải đoàn kết, thống nhất
Trước diễn biến vô cùng phức tạp về tình hình dịch bệnh, sáng 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của địa phương như còn lúng túng khi dịch bùng phát mạnh; có nơi các lực lượng phòng, chống dịch phối hợp chưa tốt; năng lực xét nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu; một số người dân còn chưa thực hiện nghiêm phòng, chống dịch...
Thủ tướng nhấn mạnh đợt bùng phát dịch lần này có những diễn biến chưa có tiền lệ, nhưng càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết, thống nhất, chia sẻ trách nhiệm, lắng nghe ý kiến của nhau, vừa làm vừa bổ sung, hoàn thiện, tìm ra giải pháp, phương án phù hợp tình hình, sát thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trước tình hình dịch bệnh đang lây lanh nhanh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đợt bùng phát dịch lần này có những diễn biến vô cùng nhanh và phức tạp. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương cũng như các bộ, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa việc phân công, phân cấp, xác định rõ hơn vai trò từng cấp, từng ngành, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là với Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 10 triệu dân, là trung tâm giao thương rất lớn, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng chống dịch luôn khó khăn hơn bất cứ địa phương nào trên cả nước.
Thủ tướng yêu cầu thành phố cần làm tốt hơn nữa “4 tại chỗ”, tránh bị động, lúng túng khi dịch bệnh xảy ra. Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tháo gỡ, xử lý mọi khó khăn, vướng mắc theo yêu cầu 3 không (không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm).
Vì vậy, đại diện các bộ, ngành, địa phương thảo luận thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm, bàn bạc trên tinh thần “5 thật” (nói thật, nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thành quả thật), nhất là đề xuất về cơ chế, phương pháp, nhân lực, vật lực... để có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, không để dịch bệnh dây dưa, vì sức khỏe, sự bình an của nhân dân và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Do đó, tình hình dịch bệnh tại thành phố có ảnh hưởng lớn đến các tỉnh trong khu vực đồng thời việc phòng, chống dịch cũng khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi phải tập trung ưu tiên chỉ đạo, xử lý.
“Chúng ta kiên trì thực hiện mục tiêu kép, song nghiên cứu, áp dụng linh hoạt theo thứ tự ưu tiên phù hợp với tình hình, có thể ưu tiên phòng, chống dịch hay phát triển kinh tế-xã hội, hoặc tập trung thực hiện đồng thời,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài các phương châm phòng chống dịch đã có, Thủ tướng đề nghị thành phố và các bộ, ngành nghiên cứu, bổ sung phương châm kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa truyền thống và hiện đại, giữa phân tán và tập trung. Thủ tướng lấy một số ví dụ như kết hợp tây y và đông y trong điều trị bệnh; kế thừa truyền thống của cha ông ta trong đánh giặc là vừa kết hợp chiến tranh hiện đại với bộ đội chủ lực và chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân. Tinh thần là kết hợp sức mạnh tổng lực để kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số địa phương có kinh nghiệm phòng chống dịch tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, ưu tiên chi viện các lực lượng thiện chiến cho Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng. Thủ tướng lưu ý việc chỉ huy thống nhất, tập trung, tránh phân tán lực lượng, điều phối, phân công phù hợp dưới sự chỉ đạo tập trung của Ban Chỉ đạo các cấp, chính quyền, cấp ủy địa phương. Công việc khi mới triển khai thì không tránh khỏi lúng túng nhưng cần khẩn trương rút kinh nghiệm, điều chỉnh ngay.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hơn sự chủ động của cấp quận, huyện và xã phường, phát huy vai trò của các tổ COVID-19 trong cộng đồng và các nhà máy.../.