Theo đại diện các cơ quan chức năng, tai nạn giao thông đường bộ là một vấn nạn mang tính toàn cầu và luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng đối với của người dân và chính phủ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Tại buổi họp báo công bố Nghị quyết A/RES/70/260 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về cải thiện an toàn giao thông đường bộ toàn cầu và kế hoạch hành động của Việt Nam vào sáng nay (22/6), bà Socorro Escalante, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, trên toàn cầu, tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại các nước có thu nhập thấp, thế giới bình quân có tới 1,25 triệu người tử vong, 49% nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ là người đi môtô, xe máy và xe đạp....
Theo bà Socorro Escalante, tại các nước có thu nhập dưới trung bình, tai nạn giao thông cao gấp đôi so với những nước phát triển, đặc biệt là thực trạng không đội mũ bảo hiểm và uống rượu bia khi điều khiển xe máy khi tham gia giao thông. Từ năm 2012 đến nay, tai nạn giao thông tại Việt Nam giảm dưới 10.000 người chết/năm, trong đó việc thực hiện đội mũ bảo hiểm là một những thành tựu to lớn.
Chính bởi vậy, vào ngày 15/4 vừa qua, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tiếp tục ban hành Nghị quyết mới, số A/RES/70/260 về “Cải thiện an toàn giao thông đường bộ toàn cầu”.
So với Nghị quyết A/RES/64/255 năm 2010, Nghị quyết A/RES/70/260 có một số điểm mới, những giải pháp cụ thể hơn, phù hợp với đặc điểm tình hình và xu thế phát triển chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, đặc biệt là nhấn mạnh thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra, xác định mục tiêu tới 2020 là giảm 50% số thương vong do tai nạn giao thông đường bộ, và năm 2030 bảo đảm toàn dân tiếp cận được dịch vụ giao thông công cộng…
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, là một quốc gia có trách nhiệm Việt Nam đã sớm hưởng ứng và cam kết mạnh mẽ thực hiện Nghị quyết A/RES/64/255 năm 2010 đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm huy động cả hệ thống chính trị và người dân chung tay ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn giao thông.
Từ năm 2012, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện năm an toàn giao thông (trước đây chúng ta có tháng an toàn giao thông vào tháng Chín) để đảm bảo thống nhất về mục tiêu, hành động trong thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; nâng cấp, mở rộng và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và tuần tra, kiểm soát; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấp phép lái xe và bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện.
“Mặc dù tai nạn giao thông ở Việt Nam đã giảm liên tục qua các năm, nhưng đây mới là kết quả bước đầu, chưa bền vững, vẫn còn mỗi ngày 24 người Việt Nam đi ra đường và vĩnh viễn không quay về nhà. Phía trước chúng ta vẫn còn tồn tại những thách thức lớn, trong đó đặc biệt là nhu cầu giao thông tăng nhanh cùng với hạn chế về ý thức tham gia giao thông, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật, bất cập về hạ tầng và phương tiện giao thông và đặc biệt là khó khăn về nguồn lực,” ông Hùng cho hay.
Ông Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình tai nạn giao thông trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp và để lại những hậu quả to lớn.
Đề cập về con số mục tiêu Nghị quyết A/RES/70/260 ngày 15/4 đưa ra tới năm 2020 giảm 50% số thương vong do tai nạn giao thông liệu có rất khó thực hiện đối với Việt Nam, bà Socorro Escalante cho rằng, các chính sách đang được thực thi, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng và người tham gia giao thông sẽ đạt được mục tiêu này. Người tham gia giao thông cần hiểu biết Luật và có những hành vi đúng đắn như đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia để giảm tai nạn giao thông.
“Liên hợp quốc và WHO sẽ hỗ trợ và lấp đầy các khoảng trống về thể chế, pháp chế trong thời gian tới cho Chính phủ Việt Nam, thực hiện Luật Giao thông đường bộ thực thi và giám sát. WHO phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải, Công an hỗ trợ nghiệp vụ lực lượng, đưa ra chiến dịch tuyên truyền an toàn giao thông để thay đổi nhận thức, hành vi; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn; cấp cứu sau các vụ tai nạn giao thông; chia sẻ bài học và kinh nghiệm ứng phó với tai nạn thương tích trên đường bộ…,” bà Socorro Escalante cho biết /.
Theo thống kê chính thức do Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải thực hiện, nếu so sánh giữa giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015, trong 5 năm đã giảm được 12.546 người chết và 44.586 người bị thương do tai nạn giao thông; Tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông trên 100.000 dân đã giảm từ 12,9 người/100.000 dân (năm 2011) xuống còn 9,5 người/100.000 dân (năm 2015).