Xác định trọng tâm trong giám sát trật tự, an toàn giao thông

Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng nội dung, phạm vi giám sát rộng, thời gian giám sát dài nên cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, giám sát có trọng tâm, trọng điểm.
Xác định trọng tâm trong giám sát trật tự, an toàn giao thông ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, chiều 12/9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023."

Cùng dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Làm rõ hạn chế, bất cập

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, nội dung giám sát tập trung vào việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các hoạt động liên quan đến vấn đề này. Trọng tâm là các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, các chính sách đầu tư cho giao thông, Luật Giao thông Đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát việc ban hành và triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; rà soát các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trọng tâm là các văn bản dưới Luật của Chính phủ và các bộ ngành; những kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về nội dung này.

Việc giám sát cũng làm rõ thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật; tình hình vi phạm, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; công tác phối hợp giữa các bộ, địa phương; hoạt động hợp tác quốc tế; nguồn lực ngân sách; trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan.

Đoàn giám sát cũng xem xét, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tập trung làm rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân của hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian tới.

[Sẽ xử lý xe chạy quá tốc độ và không truyền dữ liệu hành trình]

Ông Lê Tấn Tới cho biết, dự kiến Đoàn Giám sát làm việc với Chính phủ và 10 bộ; trong đó, trọng điểm là Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải (Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam), Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp.

Xác định trọng tâm trong giám sát trật tự, an toàn giao thông ảnh 2Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đoàn cũng tổ chức 3 Đoàn công tác đến giám sát trực tiếp tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Ngoài ra, Đoàn Giám sát sẽ khảo sát tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan.

Thu hẹp phạm vi đối tượng giám sát

Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng nội dung, phạm vi giám sát rộng, thời gian giám sát dài nên cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, giám sát có trọng tâm, trọng điểm.

Đánh giá cao sự chuẩn bị đầy đủ các dự thảo văn bản của Đoàn giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ: Đây là chuyên đề giám sát quan trọng về trật tự, an toàn giao thông đang được Đảng, Nhà nước ưu tiên hàng đầu, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trật tự an toàn xã hội.

Nội dung, phạm vi giám sát rộng; thời gian dài trong khoảng 15 năm. Đối tượng giám sát nhiều: Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố, nhiều bộ, ngành, các tổ chức quản lý, kinh doanh trong lĩnh vực giao thông.

Về dự thảo kế hoạch chi tiết, ông Bùi Văn Cường cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) sẽ trình Quốc hội thông qua 9 luật và 1 nghị quyết trong đó có Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Do vậy, Đoàn cần cân nhắc xây dựng tiến độ triển khai các hoạt động giám sát trong kế hoạch chi tiết cho phù hợp. Một số mốc thời gian cần đẩy sớm hơn so với kế hoạch ban đầu để kết quả giám sát bước đầu có thể góp phần vào quá trình hoàn thiện, thông qua 2 dự án Luật này.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị phân công đại biểu tham gia đoàn công tác cân nhắc hợp lý, đảm bảo cân đối, hiệu quả, phát huy sự tích cực của các thành viên.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 838/NQ-UBTVQH15 ngày 2/8/2023 về thành lập Đoàn giám sát quy định: Các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề, gửi báo cáo kết quả theo yêu cầu của Đoàn giám sát.

Tuy nhiên, dự thảo kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát chỉ yêu cầu đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan, trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có thể tổ chức giám sát tại địa phương hoặc sử dụng kết quả đã giám sát xây dựng báo cáo gửi Đoàn giám sát. Ông Bùi Văn Cường đề nghị xem xét kỹ nội dung này để thống nhất với Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, trong điều kiện thời gian có hạn, đề cương giám sát nên điều chỉnh theo hướng, thay vì triển khai đồng loạt giám sát đối với cả 5 lĩnh vực giao thông thì nên tập trung triển khai giám sát sớm hơn và theo hình thức cuốn chiếu đối với lĩnh vực giao thông đường bộ trong thời gian từ nay đến hết tháng 4/2024.

"Nếu làm như vậy, những dữ liệu từ cuộc giám sát sẽ phục vụ trực tiếp cho công tác xây dựng 2 dự án luật: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong thời gian sắp tới. Việc đẩy nội dung này lên sớm cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch giám sát vì đối tượng giám sát là khác nhau giữa các lĩnh vực giao thông. Các lĩnh vực giao thông khác như đường sắt, đường thủy... sẽ triển khai sau và toàn bộ báo cáo giám sát sẽ được hoàn thiện vào tháng 9/2024," bà Nguyễn Thúy Anh nêu quan điểm.

Xác định trọng tâm trong giám sát trật tự, an toàn giao thông ảnh 3Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đồng tình ý kiến cần thu hẹp phạm vi đối tượng giám sát, tập trung trọng tâm, trọng điểm. Bởi công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan đến đường bộ nhiều nhất, nhiều bất cập cần được làm rõ, nhất là trong việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, trách nhiệm tổ chức thực hiện.

"Cần làm sao đưa nội dung này trọng tâm, trọng điểm. Các lĩnh vực khác cũng liên quan nhưng không chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực bảo đảm, trật tự an toàn giao thông," Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ góp ý, giám sát tập trung vào một số đối tượng liên quan trực tiếp đến công tác này, còn những bộ, ngành liên quan ít cũng phải có báo cáo và Đoàn Giám sát sẽ làm việc thêm (nếu cần thiết).

Thứ trưởng đề xuất nên tập trung một số bộ liên quan là Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế; tập trung một số thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương có số phương tiện lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục