Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội chiều 3/8, trên cơ sở phân tích các nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu tất cả các trường hợp từ Đà Nẵng và các vùng dịch về chủ động cập nhật thông tin thường xuyên, nếu đi qua vùng dịch đúng thời điểm nơi này có bệnh nhân COVID-19 thì phải coi như đối tượng F1 để có biện pháp cách ly, khai báo kịp thời với cơ sở y tế tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đặc biệt lưu ý cần khẩn trương xác minh thông tin lộ trình của bệnh nhân COVID-19 mới phát hiện ở Hà Nam đi xe của nhà xe Kim Chi có qua Bến xe Nước Ngầm.
Nếu bệnh nhân có qua Bến xe Nước Ngầm, ngành chức năng phải có biện pháp kịp thời để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
“Hà Nội đang vào thời kỳ cao điểm nguy cơ dịch COVID-19, do đó cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không chủ quan, lơ là, không lo lắng, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ gia đình, từng người dân với tinh thần mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dânthành phố nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội, tính đến 14 giờ ngày 3/8/2020, thành phố Hà Nội đã có 88.289 người về từ Đà Nẵng từ ngày 6/7/2020 đến nay; trong đó 508 người được lấy mẫu xét nghiệm PCR, tất cả đều âm tính với virus SARS-CoV-2.
Kết quả test nhanh cho 70.689 trường hợp về từ Đà Nẵng, ghi nhận có 12 trường hợp có kết quả dương tính. Tất cả các trường hợp test nhanh dương tính đều được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật PCR, kết quả đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Đến ngày 3/8, thành phố vẫn có 2 trường bệnh nhân mới ghi nhận tại cộng đồng.
[Hà Nội: Thiếu 20.000 bộ test SARS-CoV-2 cho người trở về từ Đà Nẵng]
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tất cả số bộ test nhanh đã sử dụng hết nên Sở Y tế khuyến cáo người dân, nhất là người từ Đà Nẵng về tự theo dõi sức khỏe, nếu có triệu chứng nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế để được giám sát, cần thiết sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2.
“Ước tính từ 1/7 đến nay có trên 1,4 triệu người đến Đà Nẵng thời gian qua và có khoảng 42.000 người đã từng đến đây chữa bệnh, trong đó Hà Nội có lượng người đến Đà Nẵng rất đông nên có thể tiếp tục xuất hiện ca bệnh mới liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng. Đặc biệt theo thông tin của Bộ Y tế, kết quả giải trình tự gene cho thấy đây là chủng virus mới xâm nhập, tỷ lệ lây nhiễm cao gấp 3 lần các chủng COVID-19 đã lưu hành tại Việt Nam 6 tháng đầu năm nay nên nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng rất lớn nếu không kiểm soát tốt,” ông Nguyễn Khắc Hiền thông tin.
Ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin, liên quan đến bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nam, Trung tâm đang phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh lại lộ trình đi lại của bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân này đi qua Bến xe Nước Ngầm như thông tin ban đầu thì nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đối với Hà Nội rất lớn.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thời gian tới, các địa phương, đơn vị tiếp tục tập trung điều tra xác minh truy vết những người tiếp xúc và có liên quan đến các ca bệnh mới phát hiện; phát hiện nhanh nhất các ca nhiễm trong cộng đồng, cách ly kịp thời các trường hợp có nguy cơ, khẩn trương tổ chức hiệu quả, quản lý chặt chẽ việc cách ly các trường hợp thuộc diện phải cách ly theo quy định.
Các địa phương tiếp tục rà soát tất cả người về từ Đà Nẵng và các tỉnh, thành có dịch ngoài cộng đồng để tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Các cơ sở y tế tăng cường công tác khám sàng lọc, phân loại người bệnh đến khám, thực hiện nghiêm việc phân luồng, cách ly và kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm phòng tránh lây nhiễm trong các cơ sở y tế cũng như lây nhiễm từ các cơ sở y tế ra cộng đồng.../.