Xây dựng cơ chế đặc biệt hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Khu công nghệ cao Hòa Lạc có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)
Khu công nghệ cao Hòa Lạc. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, cạnh tranh thu hút dự án công nghệ cao ngày càng quyết liệt, các nước có những bước đi mạnh mẽ thu hút dự án công nghệ cao.

Do đó, vai trò của cơ chế chính sách khu công nghệ cao vô cùng quan trọng. Đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc cần xây dựng cơ chế đặc biệt thu hút nhà đầu tư về đất đai, thu hút nhân lực.

“Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông. Trên thực tế, đây là điểm nghẽn không thu hút được các nhà đầu tư vào khu công nghệ. Mặt khác, cần có chương trình xúc tiến đầu tư có trọng điểm, xúc tiến các tập đoàn lớn đầu tư vào công nghệ cao,” Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho hay, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 27/5/2016, trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được bố trí hạ tầng xã hội và nhà ở trong khu nhà ở, khu trung tâm, khu hỗn hợp để phục vụ dân số thường trú là 99.300 người.

Hiện nay, trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc có khoảng 24.000 chuyên gia, cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên đang học tập và làm việc. Hiện có một số dự án hạ tầng xã hội (trường học, nhà hàng, cửa hàng tiện ích...) đi vào hoạt động, một số dự án dịch vụ lưu trú và thương mại đang trong quá trình xây dựng.

Ông Lê Thanh Sơn cho biết, đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng; trong đó, có 74 dự án đầu tư vào phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao: 33 dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử viễn thông; 19 dự án trong lĩnh vực tự động hóa; 13 dự án trong lĩnh vực vật liệu mới; 9 dự án trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các công nghệ cao thuộc 55 nhóm công nghệ cao, 31 nhóm sản phẩm công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Các dự án đã đi vào hoạt động đang góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề, doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.

Về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được một số trường đại học lớn (Đại học FPT, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, một hợp phần của Đại học Việt-Nhật, Đại học Văn Lang).

Hiện tại, đã có khoảng 10.000 nhân lực công nghệ cao đang làm việc trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; trong đó, có hơn 5.000 nhân lực công nghệ thông tin (chiếm khoảng 50%).

Đặc biệt, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút các dự án sản xuất các sản phẩm CNC có giá trị gia tăng cao thay thế hàng nhập khẩu và tham gia thị trường thế giới. Tiêu biểu là các dự án của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel; Công ty Cổ phần FPT; Tập đoàn VNPT; Tập đoàn Nidec, Nhật Bản; Tập đoàn Hanwha AeroSpaces, Hàn Quốc…

Đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có hạ tầng kỹ thuật tương đối hiện đại, đồng bộ, đã thiết lập môi trường chính sách đặc biệt và thu hút được một số tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên, vẫn còn có một số hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà đầu tư như công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa được hoàn thành tác động đến tình hình an ninh trật tự cũng như cảnh quan môi trường, Ban Quản lý chưa xác định và ban hành được mức thu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc để các nhà đầu tư nộp tiền, hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất…

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng định hướng phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc 2030. Theo đó, đến năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại.

Đến năm 2030 đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo hướng thông minh, hiện đại, góp phần xây dựng thành phố khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, là hạt nhân để phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Sau năm 2030, Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành một thành phố khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo sinh thái và thông minh, có đầy đủ và toàn diện các chức năng theo mô hình “4 trong 1”; tập trung đầu tư và phát triển theo chiều sâu, dần chuyển đổi các hoạt động sản xuất công nghiệp sang hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm, đào tạo, ươm tạo.

Để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phát triển xứng tầm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, những khó khăn vướng mắc là những vấn đề không mới, nhưng vì nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan nên chưa thể giải quyết được.

Do đó, cần sự quyết tâm và nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước và sự đồng hành, hưởng ứng của các nhà đầu tư. Trên tinh thần hợp tác cùng thắng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

“Chính quyền thành phố Hà Nội cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô nói chung và các tổ chức, doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,” Chủ tịch Trần Sỹ Thanh khẳng định./.

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.