Kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Xây dựng cơ sở dữ liệu 'đúng-đủ-sạch-sống' để phát triển ngành văn hóa

Việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu hiện đại, đồng bộ và hiệu quả không chỉ giúp ngành văn hóa quản lý tốt hơn mà còn mở ra cơ hội khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa đất nước.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, dữ liệu đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quý giá nhất, là “mỏ vàng” để phát triển các ngành kinh tế số.

Với ngành văn hóa, việc phát triển cơ sở dữ liệu cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, quá trình phát triển, số hóa cơ sở dữ liệu cũng phải đối mặt nhiều trở ngại, đòi hỏi những người làm văn hóa phải tìm giải pháp tháo gỡ.

Đồng bộ cơ sở dữ liệu văn hóa

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Phim Việt Nam đang lưu giữ gần 80.000 cuốn phim nhựa, nhưng hàng năm Viện chỉ số hóa được từ 600-700 cuốn phim. Các trang thiết bị tuy được đầu tư nhưng đến nay phần lớn đã lạc hậu. Công tác lưu trữ và quản lý dữ liệu vẫn còn thủ công do chưa có hệ thống lưu trữ dữ liệu chuyên dụng cũng như phần mềm quản lý dữ liệu hiện đại, phù hợp với đặc thù công việc. Với nguồn lực hiện tại, để số hóa được hết kho phim đòi hỏi thời gian vô cùng lớn.

Ở lĩnh vực quản lý di sản, Tiến sỹ Phạm Thị Khánh Ngân, Cục Di sản Văn hóa cho hay việc xây dựng kho dữ liệu còn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và bền vững; chưa tính đến việc liên kết dữ liệu để cùng khai thác đáp ứng nhu cầu phát triển. Phần mềm dùng chung cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; cơ sở dữ liệu được xây dựng và vận hành độc lập với ứng dụng công nghệ khác nhau, quản lý và khai thác riêng, chưa có sự liên kết và phân cấp quản lý, khai thác.

nghe-6117.jpg
Tượng nghê Văn Miếu, đúc bằng đồng thau, theo nguyên mẫu của nghê chầu trên cột tứ trụ Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long. Tượng nghê này được gắn chip RFID để khách tham quan tiện tra cứu thông tin. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thêm một thách thức nữa là khi đưa tư liệu lên môi trường số thì vấn đề bảo đảm tính bảo mật của dữ liệu cũng đặt ra cấp thiết. Trên thực tế, việc sao chép, chia sẻ dữ liệu, để lọt thông tin hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí có thể chỉ do vô ý của cá nhân trong đơn vị, nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Theo bà Ngân, kho tàng di sản văn hóa Việt Nam vô cùng đồ sộ và quý giá, việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu lưu trữ dữ liệu số, có thể kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc sẽ là một trong các biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên không gian mạng, phù hợp với xu hướng thưởng thức các giá trị văn hóa của nhân dân và bạn bè quốc tế trong tình hình mới.

Bà Ngân đề xuất cần xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa Việt Nam để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị thống nhất trên phạm vi toàn quốc, hoàn thiện các quy chế phối hợp, cập nhật, chia sẻ dữ liệu trong hệ thống các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trên phạm vi toàn quốc đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích đào tạo và đào tạo lại ở trong nước và nước ngoài cho cán bộ có trình độ ngoại ngữ và tin học đáp ứng yêu cầu phân tích, đánh giá, số hóa và cập nhật dữ liệu quốc gia.

Cùng quan điểm đó, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng việc triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có tính tổng thể, đồng bộ, để các địa phương không phải sử dụng nhiều phần mềm.

disan2.png
Triển lãm trực tuyến tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sử dụng công nghệ thực tế ảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Hồng kiến nghị cần có lộ trình cụ thể và kịp thời ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật dữ liệu ngành để địa phương không gặp khó khăn trong việc chủ động triển khai các hệ thống.

Đảm bảo dữ liệu "đúng-đủ-sạch-sống’

Ở góc độ chuyên gia công nghệ, ông Nguyễn Văn Hân, Giám đốc Giải pháp An toàn thông tin-Hạ tầng Cloud, Tập đoàn VNPT cho rằng để bảo mật dữ liệu thì mục tiêu ngắn hạn là phải phát hiện lỗ hổng, ngăn chặn tấn công. Trung hạn là hình thành năng lực hạ tầng nhân sự và dài hạn là xây dựng kiến trúc và duy trì nhận thức.

Theo đó, lộ trình cụ thể là khảo sát hiện trạng (hạ tầng, nghiệp vụ...), tìm hiểu mục đích, nhu cầu của đối tác; xây dựng phương án tổng thể để nâng cao an toàn an ninh mạng tại, sau đó VNPT triển khai cung cấp sản phẩm dịch vụ theo hợp đồng đã ký kết, thực hiện đào tạo hướng dẫn sử dụng các nội dung liên quan trước khi nghiệm thu bàn giao.

nhuhoa.jpg
Bà Hoàng Như Hoa, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vietsoftpro trình bày tham luận tại hội thảo “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình”. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Về vấn đề này, Thạc sỹ Hoàng Như Hoa, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vietsoftpro cho rằng để tận dụng tối đa vai trò của cơ sở dữ liệu di sản văn hóa trong phát triển du lịch thông minh, cần triển khai một loạt các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao trải nghiệm du khách và bảo tồn di sản văn hóa.

Thứ nhất là xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu di sản văn hóa toàn diện. Đầu tiên và quan trọng nhất, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu di sản văn hóa toàn diện và chính xác. Điều này bao gồm việc thu thập, số hóa và lưu trữ thông tin chi tiết về các di sản văn hóa. Thứ hai là phát triển các ứng dụng du lịch thông minh dựa trên cơ sở dữ liệu. Trong đó, sử dụng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa để phát triển các ứng dụng du lịch thông minh và các dịch vụ phát triển công nghiệp văn hóa đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách và mục đích sử dụng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho rằng dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng như đất đai. Ngành nào có nhiều dữ liệu thì ngành đó sẽ có nhiều nguồn tài nguyên mới. Nhưng khác với đất đai hữu hạn, dữ liệu là vô hạn và càng ngày sẽ càng tăng lên. Việc xây dựng và phát triển dữ liệu là tạo ra được nguồn tài nguyên mới và tư liệu sản xuất mới.

211202-long.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhấn mạnh 5 nhiệm vụ về xây dựng cơ sở dữ liệu mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần thực hiện thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng cơ sở dữ liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải nằm trong Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0. Do vậy, quy định cơ sở dữ liệu này phải được đồng bộ trong Khung Kiến trúc để kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Bên cạnh đó, việc phát triển cơ sở dữ liệu bắt buộc mọi hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức phải đưa dữ liệu lên môi trường mạng thì dữ liệu mới sống được để đáp ứng mục tiêu 100% dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống.” Ngoài ra, phải xác định vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan để bảo đảm dữ liệu ngành này chính xác thì dữ liệu mới sống được.

“Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành cần phải tuân thủ nguyên tắc: Dữ liệu đã có trên không gian mạng thì không thu thập lại; dữ liệu khi thu thập xây dựng phải được kết nối, chia sẻ; dữ liệu khi thu thập sẽ chia sẻ cho ai, chia sẻ như thế nào; tránh việc sai lệch, chồng chéo dữ liệu, tốn thời gian và nguồn lực thu thập dữ liệu,” Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh rằng để phải có kịch bản sử dụng, khai thác dữ liệu thì dữ liệu mới có giá trị. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hệ tri thức trợ lý ảo để hỗ trợ công việc cho cán bộ, công chức, viên chức.

hoangdaocuong.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết năm 2024, Bộ đã triển khai rà soát, làm sạch và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo dữ liệu "đúng-đủ-sạch-sống."

“Việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu hiện đại, đồng bộ và hiệu quả không chỉ giúp ngành quản lý tốt hơn mà còn mở ra những cơ hội mới để khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của đất nước; góp phần hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích, gia tăng thành tích cho các vận động viên; phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, nâng cao trải nghiệm cho du khách, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới,” Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nêu rõ./.

BUP_0266.JPG
BUP_0570.JPG
congnghiepvanhoa.JPG
Nghệ thuật biểu diễn là lĩnh vực đã và đang được thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục