Nhân ngày đô thị Việt Nam 8/11, chủ đề “Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh” đã được chọn là tiêu điểm của năm.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị xung quanh vấn đề này.
- Đô thị Việt Nam giai đoạn vừa qua đã ghi những dấu bằng những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, để phát triển thành công hệ thống đô thị Việt Nam theo huớng tăng trưởng xanh thì nhiệm vụ trước mắt là gì thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Tăng trưởng xanh là một khái niệm không mới ở Việt Nam. Định hướng tăng trưởng xanh đã được đề cập một cách trực tiếp hoặc gián tiếp trong nhiều văn bản quan trọng do Chính phủ ban hành như Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia (2003), Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 năm 2004), và gần đây nhất là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 (2013) trong đó đặt ra yêu cầu quan trọng xây dựng và phát triển công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái (eco-city) nhằm hướng đến mục tiêu phát triển các đô thị Việt Nam nhanh và bền vững.
Tuy các chủ trương, chính sách về tăng trưởng xanh đã được thực hiện tại Việt Nam trong hơn 10 năm trở lại đây, nhưng thực tế nhìn nhận, phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu, kết quả thực tế vẫn còn chưa như mong muốn, đòi hỏi phải phấn đấu nhiều hơn của các cấp, các ngành, của xã hội và đặc biệt là vai trò của Bộ Xây dựng.
Để phát triển hệ thống đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, cần xây dựng các mô hình đô thị đáp ứng các yêu cầu theo hướng tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đô thị Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh phải giải quyết các thách thức về kinh tế, môi trường, năng lượng, tác động của biến đổi khí hậu… làm ảnh hưởng đến hình ảnh đô thị, điều kiện và môi trường sống của người dân cũng như yêu cầu phát triển bền vững. Điều này đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị ở nước ta.
Trước hết, phát triển đô thị phải theo quy hoạch, kế hoạch. Quy hoạch đô thị phải đảm bảo chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận theo hướng bền vững, đáp ứng tiêu chí đô thị xanh, đô thị sinh thái… Các quy hoạch không gian đô thị phải đảm bảo hài hòa kinh tế - sinh thái, thân thiện môi trường, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng.
Các quy hoạch đô thị cần đi trước một bước đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị, tạo dựng thêm nhiều không gian cây xanh, mặt nước phục vụ cộng đồng, bảo tồn các đặc trưng văn hóa đô thị và các khu vực chức năng phải thỏa mãn các tiêu chí về môi trường. Đặc biệt, cần có lộ trình đảm bảo cân đối và đa dạng các nguồn lực để triển khai thực hiện quy hoạch.
Quan điểm phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh phải được cụ thể hóa thông qua ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị xanh với hệ thống giao thông xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; phát triển đô thị sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng tái tạo, đổi mới và sử dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu sạch. Các tiến bộ khoa học - công nghệ cần được tiếp cận, ứng dụng rộng rãi trong phát triển công trình xanh, đô thị xanh. Tuyên truyền rộng rãi tới cộng đồng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và có chính sách thu hút nhà tài trợ, các tổ chức phát triển, nhà đầu tư tham gia thực hiện chủ trương này.
Bên cạnh đó, để phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh, thì cần phải có giải pháp tổng thể, phù hợp để thích ứng Biến đổi khí hậu.
- Không riêng gì Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu. Vậy, trong quá trình phát triển, các đô thị Việt Nam đã có kế hoạch để chủ động đối diện với thực trạng này chưa, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Theo đánh giá của các tổ chức Quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Hệ thống đô thị Việt Nam luôn đứng trước nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán và nước biển dâng.
Tác động của biến đổi khí hậu đến khu vực đô thị ngày một rõ rệt, làm thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng... Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cho các đô thị Việt Nam phải có chiến lược, định hướng phát triển, quy hoạch phù hợp và có những giải pháp quyết liệt để nâng cao khả năng dự báo, thích ứng và ứng phó có hiệu quả với những tác động trước mắt cũng như những tác động tiềm ẩn lâu dài của biến đổi khí hậu.
Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng mang tính định hướng cho công tác phát triển đô thị bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia (2003), Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 năm 2004), và Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050.
Thực hiện các Định hướng, Chiến lược, Chương trình nêu trên, Bộ Xây dựng đã và đang hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị xanh, thích ứng biến đổi khí hậu như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, hệ thống văn bản dưới luật và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công trình, phân loại đô thị… từng bước tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam.
Hiện Bộ Xây dựng đang tổ chức xây dựng “Chiến lược phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050” và thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến tiết kiệm năng lượng và tài nguyên của ngành. Bộ cũng đang hoàn thiện tiêu chí đánh giá công trình xanh; hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các hướng dẫn kỹ thuật về công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu làm tiền đề triển khai các chương trình, dự án phục vụ định hướng phát triển đô thị xanh, ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
- Năm 2013, Nghị định 11/2013/NĐ-CP ra đời giúp “chuẩn hóa” công tác quản lý đô thị. Cùng đó, Quốc hội cũng đang xem xét dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi. Theo Thứ trưởng, hành lang pháp lý “khung” này sẽ đem lại những đổi thay gì trong phát triển đô thị Việt Nam?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Để tăng cường công tác quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Xây dựng 2003 trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp này. Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi có nhiều nội dung và phương thức mới trong quản lý đầu tư xây dựng theo hướng tăng cường công tác quản lý, các công trình xây dựng có nguồn vốn khác nhau thì thực hiện quản lý khác nhau.
Nội dung này sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác đầu tư xây dựng, chống thất thoát, lãng phí, và qua đó tăng cường hiệu quả công tác đầu tư phát triển đô thị. Cũng trong năm 2013, Nghị định 11 được ban hành.
Đây là Nghị định điều chỉnh toàn diện các hoạt động đầu tư phát triển đô thị bao gồm từ công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng mới một khu vực đô thị cho đến bảo tồn, cải tạo chỉnh trang, tái thiết khu vực đô thị hiện hữu.
Các quy định đưa đưa ra là căn cứ pháp lý để các đô thị xác định cụ thể các khu vực phát triển đô thị trên cơ sở quy hoạch được duyệt. Đồng thời, phải xác định kế hoạch cụ thể để thực hiện các khu vực phát triển đô thị đó.
Nghị định cũng quy định việc thành lập các Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị với chức năng chính nhằm giám sát các dự án đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy hoạch và kế hoạch được duyệt, đảm bảo kết nối hệ thống kỹ thuật ngoài hàng rào các dự án và làm chủ đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật khung vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, tình trạng phát triển đô thị theo dự án tràn lan, tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch đang phổ biến hiện nay sẽ được hạn chế, khắc phục.
Với việc công bố các Khu vực phát triển đô thị, thông tin về phát triển đô thị sẽ minh bạch hơn, các nhà đầu tư sẽ xác định rõ được các khu vực ưu tiên đầu tư. Cộng đồng dân cư cũng sẽ tham gia tích cực hơn từ quá trình lập quy hoạch cũng như chủ động thực hiện quy hoạch, hạn chế các tác động bất lợi của quy hoạch “treo.”
Qua đó, tài nguyên của đô thị sẽ được khai thác sử dụng một cách tối ưu, hạn chế được những tác động bất lợi của sự phát triển không có sự kiểm soát và định hướng, tạo cơ sở vững chắc để áp dụng các mô hình đô thị tăng trưởng xanh.
Hiện nay, công tác tổng kết đánh giá tình hình thực tiễn phát triển đô thị và thực hiện pháp luật về phát triển đô thị đang được tiến hành. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ đề xuất ban hành Luật quản lý phát triển đô thị, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các đô thị phát triển bền vững.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.