Sáng 25/9, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tổ chức hội thảo Xây dựng hệ thống cộng đồng bền vững trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, giáo sư Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho hay, trong năm qua, các tổ chức xã hội đã đạt được nhiều thành tích trong công tác phòng chống HIV/AIDS.
Đến hết tháng 6/2014 đã có 83 tổ chức xã hội cấp cơ sở hỗ trợ việc hình thành và phát triển một số mạng lưới như mạng lưới những người sống chung với HIV, mạng lưới hỗ trợ người sử dụng ma túy tại Việt Nam. Các tổ chức xã hội trên đã tổ chức được 293 khóa tập huấn, cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ cho trên 30.000 người cùng nhiều hoạt động khác.
Tuy nhiên, ông Minh cho hay, hiện nay hoạt động của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống AIDS còn gặp một số khó khăn như nhận thức về vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội còn hạn chế, việc đăng ký pháp nhân đôi khi còn bị chậm, nguồn lực dành cho các tổ chức xã hội tham gia vào phòng chống HIV/AIDS chủ yếu là từ các tổ chức quốc tế.
Chính vì vậy, trong thời gian tới các tổ chức xã hội cần tiếp tục tìm các nguồn tài trợ kể cả các nguồn từ ngân sách nhà nước.
Đánh giá về vai trò của các tổ chức xã hội, tiến sỹ Kristan Schoultz - Giám đốc Quốc gia Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS ( UNAIDS) khẳng định Việt Nam cần xem xét các giải pháp nhằm tăng tính hiệu quả và khả năng bền vững của công cuộc phòng chống HIV. Đây là điều quan trọng đối với những người hoạch định chính sách và quản lý bởi những bởi vì các tổ chức này đang trên tuyến đầu của cuộc chiến với dịch HIV.
Theo tiến sỹ Kristan Schoultz nhấn mạnh, kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần tăng cường hơn nữa việc trao quyền cho các tổ chức cộng đồng để họ đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV, giúp gia tăng chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ.
Tại hội thảo, các đại biểu tham gia thảo luận về các vấn đề đang được quan tâm hiện nay như: Xây dựng hệ thống cộng đồng bền vững trong phòng, chống HIV/AIDS; Tài chính bền vững cho các tổ chức cộng đồng và phi chính phủ trong phòng, chống HIV/AIDS; Vấn đề bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV…
Nhân dịp này, các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng cũng tham gia ký cam kết thực hiện “Chiến lược tăng cường sự tham gia của các Tổ chức xã hội vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2020,” được xây dựng và hoàn thiện với sự hỗ trợ của Dự án Qũy toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS (hợp phần VUSTA).
Theo thống kê của Cục phòng chống HIV (Bộ Y tế), tính đến ngày 31/8, trên toàn quốc số người nhiễm HIV được báo cáo là hơn 223.000 người, số người mắc bệnh AIDS còn sống là hơn 69.000 người và số người nhiễm HIV đã tử vong là 70.000 người./.