Xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng điện, đường, trường, trạm

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định xây dựng nông thôn mới trong những năm tới đây phải đi vào những nội dung thực chất, hiệu quả để người dân thực sự được thụ hưởng.
Xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng điện, đường, trường, trạm ảnh 1Phát triển du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn giúp cải thiện đáng kể đời sống của người dân nông thôn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã và đang thổi một luồng gió mới vào làng quê Việt Nam. Thế nhưng việc xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở xây dựng điện, đường trường, trạm... mà phải thực sự nâng cao được chất lượng cuộc sống về kinh tế, văn hoá, môi trường... cho người dân ở nông thôn.

Chênh lệch lớn trong xây dựng nông thôn mới

Đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020), trong đó có khoảng 1.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Trên khắp cả nước có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020).

Điểm sáng trong trong giai đoạn này là tư duy kinh tế nông nghiệp, phát huy đa giá trị nông nghiệp, nông thôn được chú trọng phát triển. Đây chính là bước chuyển mình quan trọng trong chỉ đạo để giúp gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

[Cả nước có gần 74% số xã đã đạt được chuẩn nông thôn mới]

Mặc dù số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng nhưng kết quả đạt chuẩn xã nông thôn mới của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn. Điển hình như Đồng bằng sông Hồng có 100%, Đông Nam Bộ 91,4% trong khi đó Miền núi phía Bắc mới đạt 47,7%, Tây Nguyên 58,6%. Vẫn còn 4 tỉnh  thuộc khu vực Miền núi phía Bắc có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới dưới 30%. 

Đặc biệt, đến nay vẫn còn 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh còn “trắng xã nông thôn mới” , trong đó, huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), huyện Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) bình quân mới đạt 6,9 tiêu chí/xã. 

Số lượng xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực II, III) vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới còn rất hạn chế. Đến nay chưa có huyện thuộc danh sách các huyện nghèo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; làng nghề chưa phát triển mạnh, năng lực hoạt động của hợp tác xã còn một số hạn chế nhất định, chưa mạnh dạn mở rộng phát triển và thực hiện liên kết chuỗi giá trị… 

Xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng điện, đường, trường, trạm ảnh 2Nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao trong chương trình xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiều địa phương chưa chú trọng quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với sản phẩm chủ lực, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp còn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội... Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên.

Nông thôn phải thực sự là nơi đáng sống

Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết thực tế tiến độ và kết quả đạt chuẩn nông thôn mới giữa huyện miền núi và đồng bằng cho sự chênh lệch khá lớn (số xã đạt chuẩn tại 4 huyện miền núi cao bình quân 45,2%, các huyện đồng bằng là 100% và đang trong quá trình thực hiện xã nông thôn mới nâng cao). Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, thu nhập, quốc phòng và an ninh...

“Vấn đề môi trường, việc thu gom, xử lý rác thải đang là áp lực lớn, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt, đầu tư cho hạ tầng xử lý rất lớn và tỉnh Bắc Giang đang trong giai đoạn khởi đầu để thực hiện đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý rác thải. Việc thực hiện tiêu chí về phân loại rác thải tại nguồn đối với các xã nông thôn mới nâng cao gặp khó khăn do thói quen sinh hoạt của người dân, hạ tầng xử lý rác thải chưa đồng bộ,” ông Hà Minh Quý cho hay.

Cũng có ý kiến liên quan đến vấn đề tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhận định chương trình nông thôn mới  đã mang lại luồng gió mới trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, trong các tiêu chí còn một số vấn đề phải khắc phục, đặc biệt là việc xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải sản xuất nông nghiệp. Về môi trường thì cây xanh và công viên ở các xã nông thôn mới chưa được quan tâm.

Xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng điện, đường, trường, trạm ảnh 3Các đại biểu trung ương và địa phương đánh giá quá trình xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước những băn khoăn của địa phương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng đối với tiêu chí môi trường, chương trình xây dựng nông thôn mới chỉ đề cập ở góc độ xử lý môi trường (xử lý rác thải) chứ chưa thực sự quan tâm đến vấn đề tạo sinh cảnh nhiều hơn như trồng cây xanh để làm sạch, làm đẹp môi trường nông thôn. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần đưa nội dung này thành các tiêu chí phụ để khuyến khích thực hiện.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới không chỉ là đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm mà phải hướng đến chuyển đổi phương thức sản xuất giúp người dân có thu nhập cao hơn; bảo vệ môi trường, phát triển du lịch nông thôn; chuyển đổi số hướng đến xây dựng nông thôn thông minh…

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, người nông dân trước giờ vẫn luôn chủ động gia tăng sinh kế, cải thiện đời sống nên Nhà nước cần quan tâm xây dựng nền tảng kỹ thuật, hạ tầng, kiến thức, để người dân có thể tận dụng tối đa nguồn lực. Các cơ quan, địa phương cần tham khảo, học tập kinh nghiệm, mô hình sáng tạo của các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan.. cũng đang áp dụng trong chương trình "quy nông", "quy hương."

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị xây dựng các địa phương chú trong xây dựng không gian sinh hoạt cộng đồng, dạy nghề, văn hóa, chuyển đổi số, ngoại ngữ, đẩy mạnh các chương trình du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn để nông thôn thực sự là nơi đáng sống, đáng để quay về.

Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định xây dựng nông thôn mới trong những năm tới đây phải đi vào những nội dung thực chất, hiệu quả để người dân thực sự được thụ hưởng, không phải chỉ là những con số làm đẹp báo cáo thành tích./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục