Xây dựng quy tắc ứng xử, nếp sống văn hóa trong bối cảnh dịch bệnh

Nguy cơ dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn, do vậy Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị không được lơ là chủ quan, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới.
Xây dựng quy tắc ứng xử, nếp sống văn hóa trong bối cảnh dịch bệnh ảnh 1Phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 Hà Nội ngày 4/9. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Mặc dù nhiều ngày liên tiếp không có ca mắc mới, song nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 vẫn còn cao. Vì vậy, lãnh đạo thành phố Hà Nội đề nghị các Sở, ngành, quận, huyện tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp y tế.

16 ngày không có ca mắc mới

Thông tin tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Hà Nội chiều 4/9, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở y tế cho hay từ ngày 19/8 đến nay, tức là 16 ngày liên tiếp trên địa bàn thủ đô không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng.

[Phòng chống dịch COVID-19: Mặt phố làm tốt, ngõ nhỏ vẫn chưa nghiêm]

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mầm bệnh hiện đang nằm trong cộng đồng nên cũng tiềm ẩn những ca mắc mới.

Ví dụ gần nhất là ca bệnh ở Hải Dương song chưa xác định được nguồn lây. Do đó, Phó Giám đốc Sở y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải tiếp tục đề cao cảnh giác, không chủ quan, đồng thời xác định chống dịch là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài để hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh.

“Khi nào vắcxin được phổ cập thì mới có thể kiểm soát được dịch bệnh, còn từ nay đến thời gian tới, các ngành, các cấp vẫn phải triển khai tốt các giải pháp phòng chống dịch bệnh,” ông Hạnh nói.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở y tế cũng lưu ý mọi người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo thông điệp 5K của Bộ y tế, bao gồm: đeo khẩu trang tại khu vực đông người; sát trùng khử khuẩn (rửa tay, vệ sinh bề mặt…); không tập trung đông người; khai báo y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, ông Hạnh đề nghị thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, tổ chức phân luông, phân tuyến điều trị hợp lý ngay từ khi tiếp đón bệnh nhân cũng như chuẩn bị các kịch bản và phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam dưới 14 ngày theo đúng hướng dẫn của Bộ y tế. Chú trọng không để tình trạng dịch chồng dịch, nhất là nguy cơ bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp.

“Trong thời gian vừa qua Hà Nội không có ca mắc mới nên rất dễ xảy ra chủ quan, vì vậy tiềm ẩn việc bùng phát dịch bệnh bất cứ lúc nào, do đó cần tăng cường kiểm tra và phòng dịch,” ông Hoàng Đức Hạnh kiến nghị thêm.

Tại cuộc họp, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, cho biết Sở đã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở nhà xe, bãi đỗ xe thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế.

Bên cạnh đó, các nhà xe thường xuyên sử dụng khẩu hiệu, loa để tuyên truyền công tác phòng chống dịch đối với hành khách và tăng cường nước rửa tay sát khuẩn tại các phòng chờ, nơi bán vé, duy trì việc khai báo y tế khi di chuyển trên các phương tiện công cộng.

“Thời gian tới Sở giao thông vận tải Hà Nội tiếp tục yêu cầu các nhà xe, bến, bãi tăng cường tính tự giác trong việc sử dụng khẩu trang và các biện pháp phòng dịch. Ngành sẽ phối hợp với Bộ Tư lệnh thủ đô để chuẩn bị sẵn sàng phương tiện vận chuyển cách ly khi có yêu cầu của Ban chỉ đạo,” ông Hà thông tin thêm.

Còn phía Thành đoàn Hà Nội, cơ quan này đã thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh thông qua mạng xã hội, website của Thành đoàn, thiết kế các sản phẩm truyền thông như video clip… để tuyên truyền tới các đoàn viên thanh niên với mục đích dễ hiểu song hiệu quả mang lại cao.

Trước ngày khai giảng, Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo các cấp đoàn trực thuộc phối hợp với Nhà trường trên địa bàn thực hiện việc khử khuẩn, vệ sinh trường lớp cũng như kiểm tra thân nhiệt các em học sinh khi đến trường…

Xây dựng quy tắc ứng xử, nếp sống văn hóa trong bối cảnh dịch bệnh ảnh 2Phó Giám đốc Sở y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin về tình hình kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thủ đô. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Vẫn còn 2 bệnh viện phải đóng cửa

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, trong tuần vừa qua ngành y tế đã kiểm tra 100% các bệnh viện thuộc thẩm quyền, trong đó có 41 bệnh viện công lập và 40 bệnh viện ngoài công lập.

Thống kê cho thấy, số bệnh viện kiểm tra lần 1 là 81/81 bệnh viện, 21/81 đã kiểm tra lần thứ 2 (gồm 6 bệnh viện công lập và 15 bệnh viện ngoài công lập) và có 3/81 bệnh viện kiểm tra lần thứ 3.

Kết quả có 78/81 bệnh viện đạt bệnh viện An toàn phòng chống dịch (chiếm tỷ lệ 96%), song vẫn còn 1 bệnh viện an toàn ở mức thấp là bệnh viện Mắt Hà Nội 2, do vậy Sở y tế đã yêu cầu phải khắc phục trong vòng 1 tuần và sẽ kiểm tra, đánh giá lại vào ngày 8/9 tới.

Qua kiểm tra, Sở y tế Hà Nội ghi nhận chỉ còn 2 bệnh viện không an toàn và tiếp tục phải đóng cửa, đó là Bệnh viện mắt HITEC và bệnh viện mắt Việt-Nhật. Trong khi đó, bệnh viện Mắt Sài Gòn Hà Nội tại 77 Nguyễn Du đã được rút ra khỏi danh sách trên và đánh giá là bệnh viện an toàn.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song bà Hà cũng lưu ý công tác tự kiểm tra, giám sát tại một số bệnh viện còn chưa hiệu quả, thậm chí hoạt động của một số Ban Chỉ đạo tại một số bệnh viện chưa đảm bảo, đặc biệt việc vệ sinh bề mặt tại một số vị trí như nút bấm thang máy, tay nắm cửa, điện thoại… còn chưa thực sự nghiêm túc, do vậy đoàn kiểm tra đã ghi vào biên bản và yêu cầu khắc phục ngay.

“Thời gian tới Sở y tế sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá việc thường xuyên liên tục của các bệnh viện để có kiến nghị và xử lý kịp thời,” Phó Giám đốc Sở y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nói.

Trước những ý kiến đưa ra, theo Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, đánh giá của Bộ Y tế cho rằng vẫn còn mầm bệnh trong cộng đồng, còn nguy cơ xuất hiện ca nhiễm mới. Vì vậy ông đề nghị các đơn vị tiếp tục công tác tuyên truyền phòng chống dịch, đồng thời chủ động giám sát, xử lý ngay trong 24h khi có ổ dịch xuất hiện.

Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố cũng yêu cầu tiếp tục kiểm tra các bệnh viện và quản lý chẽ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, chuyên gia nhập cảnh dưới 14 ngày.

“Thành phố giao Sở Y tế xây dựng quy trình với người Việt Nam nhập cảnh có nhu cầu cách ly thu phí. Cách làm cụ thể là khi nhập cảnh, các trường hợp này sẽ được đưa về cách ly tập trung xét nghiệm ngay, nếu dương tính thì chuyển cơ sở điều trị. Sau đó tùy theo nguyện vọng, họ sẽ đăng ký và thành phố sẽ giải quyết,” ông Ngô Văn Quý nói.

Với người nước ngoài nhập cảnh dưới 14 ngày, ông Quý cho biết thành phố sẽ lựa chọn các khách sạn đảm bảo phòng chống dịch, có nơi gặp gỡ, ký kết hợp đồng nhưng đảm bảo phòng dịch.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch thành phố Ngô Văn Quý giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì cùng Sở Y tế đón 810 người làm việc sinh sống ở Đà Nẵng có nguyện vọng về Hà Nội theo tinh thần: trường hợp nào xét nghiệm âm tính đã qua 14 ngày thì khuyến cáo tiếp tục cách ly tại nhà. Với người chưa xét nghiệm thì cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi trong 14 ngày, song tất cả các trường hợp đều phải khai báo y tế.

“Thành phố giao Sở Văn hóa và thể thao phối hợp cùng Sở y tế nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử, nếp sống văn hóa trong bối cảnh dịch bệnh, xác định tinh thần phải sống chung với dịch,” Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục