Xe buýt City Tour: Vì sao Bộ GTVT không để địa phương tự quyết?

Xe buýt 2 tầng vẫn chưa thể lăn bánh sau khi Bộ Giao thông Vận tải “tuýt còi” dừng thí điểm trong khi địa phương hoàn toàn chủ động kêu gọi các doanh nghiệp đấu thầu, tham gia cạnh tranh.
Xe buýt City Tour: Vì sao Bộ GTVT không để địa phương tự quyết? ảnh 1Chiếc xe buýt 2 tầng với màu đỏ nổi bật sẽ là điểm nhấn cho Hà Nội khi các du khách ghé thăm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sau khi chạy thử nghiệm “rong ruổi” qua vài tuyến phố, xe buýt 2 tầng phục vụ du lịch của thành phố Hà Nội (City Tour) đã bị Bộ Giao thông Vận tải “tuýt còi” khi phải chờ quyết định của Thủ tướng mới ban hành các quyết định để làm cơ sở triển khai dự án.

Điều khó hiểu là, Bộ Giao thông Vận tải lại chỉ đích danh một đơn vị độc quyền được thực hiện dự án này tại 7 thành phố lớn trong khi địa phương đều có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp cùng đấu thầu, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Can thiệp áp đặt và độc quyền

Tại văn bản số 2171/TTg - KTN, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe ôtô góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trong các đô thị bằng xe chuyên dụng 2 tầng thoáng nóc và trong đó không nhấn mạnh đến việc giao cho đơn vị nào thực hiện.

Thế nhưng, ngày 19/7 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành văn bản số 7958/BGTVT-VT yêu cầu các địa phương tạm thời chưa triển khai dự án do chưa có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi Bộ ban hành các quyết định để làm cơ sở triển khai dự án.

[Dừng thí điểm dịch vụ xe buýt du lịch 2 tầng ở 7 tỉnh, thành phố]

Trước khi “tuýt còi” các địa phương tạm dừng triển khai dự án thí điểm xe buýt 2 tầng, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc tổ chức và quản lý thí điểm loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ôtô của Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân, đồng thời không phát sinh tăng các đơn vị thí điểm khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Nhiều chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý Nhà nước đều đặt ra câu hỏi tại sao văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải lại chỉ định đích danh một doanh nghiệp được phép triển khai thí điểm trong khi với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan tham mưu, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm đưa ra các hướng dẫn về tiêu chuẩn phương tiện, tiêu chuẩn dịch vụ và các điều kiện để tổ chức loại hình này?

“Bộ Giao thông Vận tải chỉ ‘khoán’ cho một doanh nghiệp phải chăng mang tính áp đặt và có vi phạm luật cạnh tranh? việc thí điểm chỉ do Công ty Hải Vân độc quyền thực hiện thì vai trò của địa phương ở đâu? liệu thiếu đi sự cạnh tranh lành mạnh, chất lượng dịch vụ có được như mong muốn?,” một chuyên gia giao thông tỏ vẻ nghi ngờ.

Hơn nữa, ngay khi Chính phủ có chủ trương này, một số doanh nghiệp tại Hà Nội và Đà Nẵng đã chuẩn bị kế hoạch, đầu tư phương tiện để triển khai theo chỉ đạo của thành phố. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải bất ngờ “tuýt còi” dừng chủ trương thí điểm sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và làm cho tiến độ triển khai City Tour bị chậm trễ.

Địa phương có quyền tự quyết?

Là một trong 7 tỉnh thành được cho phép thí điểm City Tour, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, xe buýt 2 tầng đi qua một số tuyến phố thời gian qua mới chỉ là chạy thử nghiệm kỹ thuật để có thêm cơ sở thực tế xây dựng và hoàn chỉnh phương án của các đơn vị.

[Hành trình trải nghiệm xe buýt 2 tầng City Tour đầu tiên ở Hà Nội]

“Sau khi có phương án hoàn chỉnh được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt, Sở Giao thông Vận tải còn phải tiếp tục trình lên Bộ Giao thông Vận tải xem xét, thống nhất. Việc Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu dừng lại sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này?,” đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội bày tỏ chính kiến.

Xe buýt City Tour: Vì sao Bộ GTVT không để địa phương tự quyết? ảnh 2Chiếc xe buýt 2 tầng đầu tiên mang tên City Tour đã được chạy thử nghiệm trên đường phố Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải) Hà Nội cho biết, việc thí điểm xe buýt 2 tầng, phía Sở đang xin chủ trương của thành phố. Hà Nội sẽ trao đổi với Bộ Giao thông Vận tải để có sự thống nhất, từ đó đưa ra lộ trình triển khai.

“Theo Luật Giao thông đường bộ, vận tải công cộng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nên phía Hà Nội sẽ có trao đổi cụ thể với Bộ Giao thông Vận tải và các đầu mối liên quan để thực hiện triển khai theo đúng thủ tục, quy định pháp luật,” ông Hải nhấn mạnh.

Dưới góc độ đơn vị được thành phố Hà Nội giao triển khai thí điểm vận hành, lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, sau khi thành phố có chỉ đạo, đơn vị đã chạy thử nghiệm đồng thời phối hợp với Công ty cây xanh, điện lực khảo sát những tuyến phố có lộ trình đi qua để đảm bảo hạ tầng cho xe buýt 2 tầng hoạt động.

Đề cập đến lộ trình mà Sở Giao thông Vận tải giao đến quý 4 năm nay phải đưa loại hình xe này vào hoạt động, lãnh đạo Transerco thừa nhận sẽ khó khăn trong hoàn cảnh thành phố đang trao đổi, thống nhất chủ trương với Bộ Giao thông Vận tải. Hơn nữa, công tác chuẩn bị về điều kiện hạ tầng sẽ bị kéo dài nên nhanh nhất cũng phải giữa năm 2018 mới có thể vận hành.

[Cận cảnh xe buýt 2 tầng độc đáo phục vụ khách du lịch ở Hà Nội]

Đặt câu hỏi đến việc có thêm doanh nghiệp tham gia chạy City Tour, lãnh đạo Transerco khẳng định, đơn vị chỉ cần chạy 1 hoặc 2 tuyến có lộ trình trong thành phố. Một số doanh nghiệp vận tải khác tham gia sẽ tạo sự bình đẳng, cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ cho du khách, tạo đà cho du lịch phát triển.

Cho ý kiến về việc hướng dẫn thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe ôtô góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tham khảo thêm ý kiến của doanh nghiệp, lựa chọn tuyến vận tải theo những địa điểm thu hút nhiều khách để đảm bảo tính hiệu quả.

Về đối tượng tham gia thí điểm, ngoài Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân là đơn vị có dự án cho phép triển khai, Bộ Tư pháp đề nghị mở rộng, cho phép các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải có đủ điều kiện tham gia thực hiện thí điểm, tạo môi trường cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, minh bạch.

Phía Bộ Tư pháp cũng đưa ra dẫn chứng, trong dự thảo kế hoạch quy định điều kiện về đơn vị tham gia thí điểm dự án còn chung chung như "có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách và du lịch”, “có năng lực tài chính”...

Nhìn nhận việc thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển khách bằng ôtô là cần thiết, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải cũng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan như Bộ Công an, Thể thao và Du lịch, Tài chính và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành để quản lý chặt chẽ để bảo đảm các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn giao thông của hoạt động thí điểm kinh doanh vận chuyển khách này./.

Mới đây, Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam-Hà Nội đã có đề nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải về việc mở mới tuyến buýt City Tour 2 tầng phục vụ phát triển du lịch tại địa bàn thành phố Hà Nội, Huế và Hạ Long (Quảng Ninh).

Phía Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam-Hà Nội đề xuất phương án lộ trình 3 tuyến tại các địa phương này đồng thời đưa ra tần suất hoạt động 30 phút/lượt với khung giờ hoạt đồng từ 8 giờ - 18 giờ hàng ngày.

Được biết, đơn vị này đã ký hợp đồng nguyên tắc về việc mua 15 xe chuyên dụng phục vụ buýt City Tour từ Tập đoàn Trường Hải (THACO).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục