Xe buýt Hà Nội sụt giảm hành khách và nỗi lo về doanh thu bán vé

Năm 2021 và các năm tiếp theo, doanh thu bán vé xe buýt Hà Nội vẫn khó có thế đạt được như dự kiến trong hồ sơ mời thầu và cần có các chính sách để tháo gỡ khó khăn.
Xe buýt Hà Nội gặp nhiều khó khăn khi sụt giảm hành khách và doanh thu bán vé. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Xe buýt Hà Nội gặp nhiều khó khăn khi sụt giảm hành khách và doanh thu bán vé. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng tới ngành vận tải và Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cũng khó có thể thoát ra ngoài vòng xoáy này khi sụt giảm sản lượng khách, doanh thu bán vé đi xe buýt.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Transerco diễn ra chiều ngày 14/1.

Lần đầu tiên xe buýt phải tạm dừng hoạt động

Theo ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng giám đốc Transerco, ngay khi dịch COVID-19 tác động tới hoạt động vận tải, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng, triển khai các kịch bản điều hành sản xuất kinh doanh bám sát diễn biến thực tế, thực hiện sắp xếp tổ chức lại sản xuất kinh doanh, tinh gọn bộ máy, dự phòng nguồn lực, tiết giảm chi phí, triển khai áp dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thành phố…

Sau khi doanh thu bán vé xe buýt được điều chỉnh, kết quả doanh thu cả năm ước đạt 2.500 tỷ đồng, bằng 103,9% kế hoạch, giảm khoảng 17,5% so với năm 2019, kết quả lợi nhuận hoàn thành yêu cầu bảo toàn vốn theo quy định.

Ông Nam cũng thừa nhận gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bị đình trệ, sụt giảm, riêng hoạt động xe buýt đã cắt giảm 80% sản lượng vận chuyển từ ngày 22/3 và dừng toàn bộ hoạt động từ ngày 1/4 đến ngày 22/4 không có doanh thu trong khi vẫn hạch toán đầy đủ các chi phí cố định và nhiều khoản chi phí cần thiết khác.

"Đến nay, những khó khăn, vướng mắc của Tổng công ty về thanh quyết toán giá trị vận chuyển xe buýt quý 1/2020 của 46 tuyến buýt, ban hành đơn giá, định mức áp dụng cho tuyến xe buýt nhanh BRT và điều chỉnh doanh thu bán vé xe buýt không đạt kế hoạch do nguyên nhân khách quan đã được thành phố và các Sở ngành quan tâm chỉ đạo tháo gỡ," vị Tổng giám đốc Transerco nói.

[Hà Nội: Kiến nghị các giải pháp để thu hút người dân đi xe buýt]

Mặt khác, ông Nam cũng chỉ ra các nguyên nhân khách quan như thực hiện giãn cách xã hội, hành khách hạn chế đi phương tiện công cộng do tâm lý e ngại dịch bệnh..., sản lượng hành khách đi xe buýt bị sụt giảm.

Cùng với đó là việc triển khai áp dụng chính sách miễn phí đối với người cao tuổi nên sản lượng khách vé lượt chỉ đạt khoảng 63,6% so với dự kiến và giảm 36% so với năm 2019. Sản lượng tem vé tháng ước đạt 98% so với dự kiến và giảm 34,3% so với năm 2019.

Ngoài ra, các tuyến xe buýt sân bay và xe buýt Citytour không trợ giá cũng gặp nhiều khó khăn, phải cắt giảm chuyến lượt, sản lượng hành khách sụt giảm mạnh, nhất là hành khách đi các tuyến bay quốc tế và khách du lịch nước ngoài.

Trước những khó khăn, Tổng công ty đã cố gắng tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt như: Tham gia đấu thầu vận hành 46 tuyến buýt theo Nghị định 32 và chuẩn bị sẵn sàng để đưa thêm 7 tuyến buýt mới hoạt động từ đầu năm 2021; phối hợp khảo sát điều chỉnh lộ trình các tuyến buýt do tổ chức giao thông, hợp lý hóa các điểm dừng, điểm đầu cuối trên các tuyến buýt; triển khai mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt qua các ứng dụng VN-Pay....

Nâng tỷ lệ vận tải công cộng đạt 20%

Năm 2021 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là những hệ lụy gây ra bởi diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh COVID-19, Tổng công ty đưa ra chỉ tiêu kế hoạch doanh thu, lợi nhuận phấn đấu tăng 5-7%, chỉ tiêu hiệu quả tăng 3-5% so với năm 2020 và đảm bảo việc làm và thu nhập cho cán bộ công nhân viên.

“Việc phát triển xe buýt phải đi đôi với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng xe buýt để hoạt động an toàn, tốc độ vận hành và thời gian chuyến đi, nhờ đó thu hút hành khách sử dụng phương tiện công cộng,” ông Nam nhấn mạnh.

Năm 2021 và các năm tiếp theo, doanh thu bán vé xe buýt vẫn khó có thế đạt được như dự kiến trong hồ sơ mời thầu do các nguyên nhân khách quan là những tác động gây ra do bối cảnh dịch bệnh, chính sách miễn phí người cao tuổi, điều kiện giao thông ùn tắc, tương tự như năm 2020... Vì vậy, Tổng công ty đề nghị thành phố và các cơ quan quản lý xem xét chỉ đạo có cơ chế tháo gỡ khó khăn này của đơn vị.

Xe buýt Hà Nội sụt giảm hành khách và nỗi lo về doanh thu bán vé ảnh 1Với sản lượng hành khách sụt giảm, doanh thu bán vé của xe buýt Hà Nội khó có thế đạt được như dự kiến trong hồ sơ mời thầu. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Cùng lúc, Transerco sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý rà soát, tối ưu hóa, điều chỉnh luồng tuyến, sức chứa phương tiện phù hợp với lộ trình phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt và đảm bảo khớp nối với các tuyến đường sắt đô thị sắp đi vào hoạt động; tích cực phối hợp xây dựng sẵn sàng các kịch bản ứng phó đảm bảo khả năng trung chuyển, giải tỏa số lượng lớn hành khách ở mỗi nhà ga khi tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đi vào hoạt động, đặc biệt là ở nhà ga Cát Linh.

[Chậm thanh toán trợ giá, xe buýt Hà Nội có nguy cơ phải tạm dừng chạy]

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhìn nhận 2020 là năm đặc biệt khó khăn và thách thức với cả nước và Thủ đô, đặc biệt là dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Ông Quyền cho biết năm 2021 thành phố lấy chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, đổi mới, phát triển” và theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra với chỉ tiêu năm 2025 người dân đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng đạt từ 30-35%, trong đó riêng năm 2021 phấn đấu đạt tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ vận tải công cộng 20%.

Do vậy, ông Quyền giao nhiệm với vai trò là doanh nghiệp chủ lực trong vận tải hành khách công cộng, bến bãi, đỗ xe, Transerco cần tập trung chỉ đạo các đơn vị phục vụ tốt Đại hội Đảng khóa XIII và bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp; đẩy mạnh tỷ lệ người dân sử dụng buýt; phối hợp với Metro Hà Nội đưa các kế hoạch, giải pháp trung chuyển giải tỏa hành khách mỗi nhà ga khi đường sắt Cát Linh-Hà Đông đi vào hoạt động; phục vụ tốt người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội Xuân 2021...

“Các sở Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và đơn vị liên quan trên đề xuất của Transerco tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hỗ trợ các cơ chế chính sách để Tổng công ty và các đơn vị xe buýt ổn định hoạt động, đảm bảo hệ thống vận tải công cộng tiếp tục phát triển đồng thời tham mưu các kế hoạch phát triển đến năm 2025,” ông Quyền nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục