Mặc dù xe chở hàng quá tải vi phạm chỉ còn khoảng 10%, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận đã có biểu hiện tái diễn tình trạng xe quá tải, lưu thông đường dài trên các tuyến đường Quốc lộ.
Theo báo cáo kết quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện năm 2018 của Tổng cục Đường bộ, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định và Thanh tra các Sở Giao thông Vận tải sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 201.936 xe, trong đó có 20.321 xe vi phạm, tước 7.081 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 217,3 tỷ đồng.
“Số lượng phương tiện vi phạm chở hàng quá tải cơ bản đã giảm còn khoảng 10% nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành đường bộ. Điều này đã tạo sự đồng thuận cao của xã hội, sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ hàng, các chủ phương tiện và lái xe,” ông Huyện cho hay.
[13 tỉnh, thành chưa chịu đưa trạm cân xe quá tải hoạt động lại]
Tuy nhiên, ông Huyện cũng chỉ ra những tồn tại trong việc kiểm soát xe quá tải như có biểu hiện tái diễn tình trạng xe quá tải, lưu thông đường dài trên các tuyến đường Quốc lộ, đường Hồ Chí Minh và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa…
“Việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng còn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục. Một số địa phương có cảng, mỏ vào cuộc chưa quyết liệt trong việc kiểm soát xếp hàng hóa lên xe và chưa kiên quyết xử lý chủ mỏ, chủ cảng vi phạm,” Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ đánh giá.
Đặc biệt, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi Tổ kiểm tra tải trọng xe hoặc khi bị kiểm tra thì không chấp hành như đóng cửa xe bỏ đi, lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở các lực lượng làm công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bộ Công an, hầu hết lực lượng Cảnh sát giao thông đã rút không phối hợp tại các trạm cân lưu động. Do thiếu lực lượng và vướng mắc quy định Thanh tra các Sở Giao thông Vận tải chỉ kiểm soát tải trọng phương tiện trong phạm vi quản lý, nên các trạm cân lưu động đã rút, không kiểm soát trên các Quốc lộ chính mà chỉ kiểm soát trên đường địa phương và Quốc lộ được ủy quyền quản lý.
“Các chế tài để xử lý vi phạm còn chưa đồng bộ, thiết bị cân kiểm tra tải trọng phương tiện còn thiếu, chưa kiểm soát được toàn bộ các tuyến đường có xe chở hàng quá tải lưu thông. Lực lượng trực tiếp tham gia công tác kiểm soát tải trọng phương tiện còn mỏng, còn phải tham gia thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác nên chưa thể kiểm soát được các đoạn quốc lộ, đường bộ địa phương có xe quá tải lưu thông,” ông Huyện thừa nhận khó khăn.
Để siết chặt công tác kiểm soát xe quá tải thời gian tới, Tổng cục Đường bộ sẽ thanh kiểm tra đột xuất trên các đoạn đường có nhiều xe quá tải lưu thông, xe cơi nới thành thùng; tập trung kiểm tra tại các đầu nguồn hàng, khu vực cảng, bến, mỏ vật liệu, công trình, dự án lớn; đặc biệt là các trường hợp san tải trước khi vào cảng, dồn tải sau khi ra khỏi cảng, các trường hợp vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành xe và xử phạt vi phạm hành chính đối với từng chủ thể có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tổng cục cũng lựa chọn một số vị trí để áp dụng thí điểm xây dựng, lắp đặt và đưa vào hoạt động mô hình trạm cân cố định độc lập và ghép với trạm thu phí sử dụng đường bộ trước khi triển khai đồng loạt; phấn đấu đến cuối năm 2020, hoàn thành việc xây dựng 28 trạm cân cố định.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc phối hợp cung cấp dữ liệu phục vụ kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của xe ôtô chở hàng quá tải trọng, thay đổi kích thước thành thùng xe, nâng cao hiệu quả công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ.
Tổng cục Đường bộ đề xuất Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc phối hợp với Bộ trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, trong đó chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động và tiếp tục phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông kiểm soát chặt chẽ tình trạng xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường./.