Xe khách “nhồi nhét, chặt chém”, cửa ô ùn tắc ngày cuối nghỉ lễ

Ngày cuối cùng của đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người dân ngoại tỉnh đổ xô về Hà Nội khiến tuyến đường cửa ô vào thủ đô ùn tắc cục bộ. Nhiều chuyến xe “nhồi nhét, chặt chém” hành khách, bến xe ken cứng
Xe khách “nhồi nhét, chặt chém”, cửa ô ùn tắc ngày cuối nghỉ lễ ảnh 1Cửa ngõ Pháp Vân, lượng phương tiện xếp hàng dài chờ vào thủ đô sau kỳ nghỉ lễ 30/4. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ngày cuối cùng của đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người dân ngoại tỉnh đổ xô về Hà Nội khiến tuyến đường cửa ô vào thủ đô ùn tắc cục bộ. Nhiều chuyến xe “nhồi nhét, chặt chém” hành khách, bến xe ken cứng người.

Tại các bến xe như Giáp Bát, Mỹ Đình…, từ khoảng 15 giờ ngày 2/5, lượng khách dồn về bến mỗi lúc một đông. Từng đoàn xe nối đuôi nhau xếp hàng dài vào bến. Cá biệt, một số chuyến xe vô tư trả khách bên ngoài khiến khung cảnh giao thông khu vực quanh khu vực bến xe vốn đã tắc lại tắc thêm.

Ông Tưởng Đỗ Hiển, Đội phó Đội Thanh tra Giao thông vận tải Hoàng Mai cho biết, lực lượng Thanh tra giao thông đã chốt trực và “bắt quả tang” nhà xe Trường Kỳ, Biển kiểm soát 17B-001.46 chạy tuyến Hà Nội-Thái Bình trả khách dọc đường Trần Thủ Độ nhưng chống đối lực lượng chức năng và bỏ chạy. Thanh tra Sở sẽ báo cáo lên Sở Giao thông Vận tải để có hình thức xử lý nghiêm.

Xe khách “nhồi nhét, chặt chém”, cửa ô ùn tắc ngày cuối nghỉ lễ ảnh 2Nhà xe vô tư trả khách phía sau bến xe Nước Ngầm khu vực đường Trần Thủ Độ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tỏ vẻ mệt mỏi sau hành trình từ Ninh Bình lên Hà Nội, anh Trần Trung Kiên chọn một góc trong bến xe để nghỉ ngơi. Anh Kiên bảo, xe khách Hiển Tình, Biển kiểm soát 35N-8663 đi từ 14 giờ tới tận 17 giờ 30 phút mới lên tới bến Giáp Bát.

Xe khách chỉ có 29 chỗ, khi xuất bến đã đủ khách nhưng cả đoạn đường từ Ninh Bình lên thủ đô, nhà xe “vợt khách” dọc đường và “nhồi nhét” tới 40 người. Chưa kể, giá vé thường ngày chỉ có 70.000 đồng/người/lượt nhưng hôm nay phụ xe “hét giá” tới 100.000 đồng/người và vé đồng hạng giá kể cả từ Hà Nam lên Hà Nội.

Nhiều hành khách than thở thì nhận được câu trả lời chắc nịch của nhà xe: “Các bác thông cảm, không đi thì xuống. Nhưng đã ngồi cả một đoạn đường, tới đầu tỉnh Hà Nam phụ xe mới thu tiền vé, lúc đó có xuống thì chẳng khác nào ‘bắt khách, bỏ chợ’,” anh Kiên ngao ngán nói.

Quá bức xúc, anh Phúc đã nhắn tin đến số điện thoại đường dây nóng mà Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng [số điện thoại 0913432383-PV] nhưng cũng không nhận được bất kỳ sự hồi âm nào.

[Gần 40 cuộc gọi phản ánh tăng giá vé, nhồi nhét khách nghỉ lễ 30/4]

Thậm chí, khi đến Đồng Văn (Hà Nam), anh Kiên bảo, nhà xe cũng bị lực lượng Cảnh sát giao thông dừng lại kiểm tra nhưng chưa đầy 1 phút xe tiếp tục chạy với hơn 40 hành khách như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, với những nhà xe có phản ánh của hành khách về tình trạng chặt chém, nhồi nhét Sở đều xử lý nghiêm như đình tài 1 tháng.

“Nhồi nhét khách, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản, sức khoẻ của người dân là không thể chấp nhận được. Những nhà xe cố tình vi phạm sẽ bị đưa vào danh sách đen,” ông Long khẳng định.

Tại khu vực bến xe, mỗi khi xe buýt về bến, dòng người chen chân ào lên xe nhằm tìm kiếm cho mình một chỗ ngồi để về nhà. Các điểm nhà chờ xe buýt đông đúc, hàng dài người xếp hàng để chờ lên xe. Đông nhất là các tuyến số 16, 32, 27, 34 vì đi qua nhiều điểm trường Đại học, nơi có lượng sinh viên trở lại học vào ngày mai.

Xe khách “nhồi nhét, chặt chém”, cửa ô ùn tắc ngày cuối nghỉ lễ ảnh 3Hành khách chen chân lên xe buýt. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đại diện các bến xe như Mỹ Đình, Giáp Bát cho biết, chiều ngày 2/5, lượng khách về qua bến tăng khoảng gần gấp đôi so với ngày thường. Bến xe đã phối hợp với các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và Cảnh sát trật tự phường tổ chức phân luồng giao thông, hướng dẫn cho các nhà xe ra vào bến theo đúng trình tự.

Dọc tuyến đường Giải Phóng hướng về trung tâm thành phố từ khoảng 16-17 giờ cùng ngày đã bắt đầu đông đúc và có hiện tượng ùn ứ. Còn tại ngã ba Pháp Vân, các phương tiện cũng xếp hàng dài di chuyển khó khăn.

Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông phải căng mình làm nhiệm vụ phân luồng tại các điểm “nóng”, nhưng do lượng phương tiện dồn về cục bộ quá đông nên không tránh khỏi ùn tắc cục bộ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục