Tại Ấn Độ, xoài được mệnh danh là “Vua của các loài quả” bởi hiếm có loài quả nào đa dạng và được ưa thích như xoài trên đất nước này.
Năm nào cũng vậy, vào cuối mùa Hè, lễ hội xoài lại được tổ chức tại thủ đô New Delhi để cho khoảng 500 loại xoài đặc sắc trên cả nước “tụ họp” trong ngày hội của “Vua”.
Người ta nói rằng trên toàn thế giới có khoảng 1.365 loại xoài thì có tới khoảng 1.000 loại có mặt tại đất nước sông Hằng.
Lễ hội xoài đầu tiên do bộ Du lịch Ấn Độ tổ chức năm 1988 tại Saharanpur, thuộc bang Uttar Pradesh, miền Bắc nước này và trở thành sự kiện thường niên từ đó.
Các lễ hội xoài hằng năm sau này do Cục Du lịch Delhi đứng ra tổ chức nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp xoài và “tôn vinh vua của các loài quả”- niềm tự hào của người Ấn Độ.
Xoài ở Ấn Độ vào mùa rất rẻ, giá từ 40 rupee (khoảng 14.000 đồng) đến 250.000 rupee (khoảng 80.000 đồng)/kg. Tuy nhiên, đắt nhất là xoài Alphonso, giá khoảng 150-550 rupee/kg, tùy chất lượng.
Loại xoài này hồi đầu tháng 5 vừa qua Liên minh châu Âu (EU) đòi áp đặt lệnh cấm nhập bởi phát hiện sâu hoa quả không có nguồn gốc từ châu Âu trong một số lô hàng nhập từ Ấn Độ năm 2013.
Xoài Ấn Độ bắt đầu “ra chợ” từ tháng 4 và đến cuối tháng 10 vẫn còn. Đối với người dân Ấn Độ, xoài là thứ quả không thể thiếu trong mùa Hè. Xoài có thể chế biến thành nước giải khát, làm kem, sinh tố, bánh …và người Ấn Độ cho rằng đây là thứ quả giải khát và bổ dưỡng nhất trong mùa Hè.
Quả tươi chỉ chiếm khoảng 0,2%, tương đương 2,5 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ, trong đó xoài chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu quả tươi của Ấn Độ tới EU. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ tới EU đạt khoảng 38 tỷ euro (52,68 tỷ USD)/năm, trong đó 7,5% là sản phẩm nông nghiệp./.