Xử lý các dự án, đất đai sai phạm để khơi thông nguồn lực phát triển quan trọng

Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án, đất đai có sai phạm theo chỉ đạo của Bộ Chính trị là tiền đề quan trọng để giải quyết các dự án, đất đai ở trong tình trạng tương tự trên cả nước.

Ngang nhiên lấn chiếm, mua bán đất công tại hồ Thủy điện Đại Ninh (Lâm Đồng)
Ngang nhiên lấn chiếm, mua bán đất công tại hồ Thủy điện Đại Ninh (Lâm Đồng)

Sáng 9/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, cơ quan của Quốc hội, các địa phương về kế hoạch triển khai thực hiện phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề rất khó khăn, phức tạp, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong khơi thông một nguồn lực rất lớn của nhà nước, doanh nghiệp, người dân để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Những sai phạm các dự án, đất đai được nêu trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố có liên quan đến lịch sử để lại, sự thay đổi chính sách pháp luật qua các thời kỳ, vi phạm trong công tác quản lý nhà nước… Trong đó nhiều sai phạm không thể khắc phục, xử lý nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù.

"Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án, đất đai có sai phạm theo chỉ đạo của Bộ Chính trị là tiền đề quan trọng để giải quyết các dự án, đất đai ở trong tình trạng tương tự trên cả nước," Phó Thủ tướng nói.

Các đại biểu đã cho ý kiến đối với dự thảo Kế hoạch triển khai; kiện toàn Tổ công tác; nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương theo Kết luận của Bộ Chính trị.

Khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành các nhiệm vụ được giao theo đúng kế hoạch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề xuất, Chính phủ sớm ban hành 1 nghị định sửa nhiều nghị định, Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đối với các dự án, đất đai có sai phạm theo chỉ đạo của Bộ Chính trị; đề nghị các cơ quan thanh tra, tố tụng, tư pháp sớm có văn bản kết luận đối với các dự án cụ thể.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm Kết luận của Bộ Chính trị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kéo dài nhiều năm của các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố. "Đây là nhiệm vụ cấp bách, phải làm hết sức trách nhiệm."

Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiếp thu các ý kiến, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn, bổ sung thành viên Tổ công tác; các bộ, ngành, địa phương bám sát nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ được nêu theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Các tỉnh/thành phố, theo thẩm quyền được giao, cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn, tham gia của các bộ, ngành, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án; rà soát, thống kê những dự án, đất đai tương tự, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét hướng xử lý.

Đến ngày 15/8, các bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tư pháp… hoàn thành việc rà soát các khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực quản lý (đất đai, quy hoạch, đấu thầu, đấu giá, viện dẫn, áp dụng án lệ…) trong quá trình giải quyết những dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.

Từ đó đề xuất, báo cáo Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền quản lý chuyên ngành, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội.

Trong tháng 9/2024, các bộ, ngành, địa phương ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật (Thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn, nghị quyết của Hội đồng Nhân dân, quyết định của Ủy ban Nhân dân) để tháo gỡ khó khăn cho các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi bổ sung, quyết định theo thẩm quyền.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ chuyên ngành xây dựng, trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.