Xử lý hơn 2.600 vi phạm nồng độ cồn sau 6 ngày thực hiện Nghị định 100

Sau 6 ngày thực hiện Nghị định (tính đến hết 6/1), Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn là 2.673 trường hợp.
Xử lý hơn 2.600 vi phạm nồng độ cồn sau 6 ngày thực hiện Nghị định 100 ảnh 1Lực lượng cảnh sát liên ngành kiểm tra nồng độ cồn, xử lý người điều khiển vi phạm nồng độ cồn tại phố Trần Khát Chân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, các quy định liên quan đến an toàn giao thông trong Luật phòng chống tác hại của rượu bia, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa có văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân kiêm Trưởng ban An toàn giao thông các địa phương về việc đẩy mạnh thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị Chủ tịch các tỉnh, thành phố chỉ đạo Ban An toàn giao thông, các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, cơ quan báo chí và Ủy ban Nhân dân các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền những quy định mới của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, nhất là quy định xử phạt vi phạm về nồng độ cồn và các quy định liên quan đến an toàn giao thông trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia để người dân biết thực hiện; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe” và ủng hộ lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự-an toàn giao thông.

Lãnh đạo các địa phương cần chỉ đạo hệ thống phát thanh, truyền thanh cơ sở tăng cường thông tin, tuyên truyền các quy định của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và Luật phòng chống tác hại của rượu bia, vận động nhân dân thực hiện quy định “Đã uống rượu, bia - không lái xe;” đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm tra, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn, kết hợp chặt chẽ giữa công tác cưỡng chế và tuyên truyền để nâng cao hiệu quả; bảo đảm đủ trang thiết bị, vật dụng cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, trường học cần tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, chiến sỹ, sinh viên gương mẫu thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe,” không uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Các địa phương cần phát các thông điệp truyền hình, thông điệp phát thanh tuyên truyền an toàn giao thông Tết Canh Tý trên Đài Phát thanh và Truyền hình, hệ thống phát thanh, truyền thanh cơ sở để tuyên truyền, phòng ngừa tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán.

Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 đã tác động rất lớn đến công tác bảo đảm trật tự-an toàn giao thông, đặc biệt là quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện, được dư luận đánh giá cao.

Lần đầu tiên người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt cao nhất tới 600.000 đồng. Với tài xế ôtô, mức phạt tối đa 40 triệu đồng; tài xế xe máy chịu mức phạt 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.

Sau 6 ngày thực hiện Nghị định (tính đến hết 6/1), Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã kiểm tra 25.345 trường hợp lái xe vi phạm an toàn giao thông, phạt hơn 23 tỷ đồng, tước 3.590 giấy phép lái xe; riêng xử lý vi phạm nồng độ cồn là 2.673 trường hợp.

Tuy nhiên, còn một bộ phận người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các quy định của pháp luật về nồng độ cồn, nhiều người vi phạm không hợp tác, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có hành động, thái độ chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ.

Nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, nhiều người dân chưa nắm rõ những quy định mới của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2020)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục