Theo ghi nhận của Sở Y tế tỉnh Bình Phước, từ đầu năm đến tháng 8/2018, bệnh sốt rét diễn biến phức tạp, địa bàn tỉnh có hơn 1.000 trường hợp mắc sốt rét, trong đó có một ca tử vong.
Xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) và xã Đắk Nhau (huyện Bù Đăng) là những địa phương có nhiều trường hợp mắc sốt rét; trong đó huyện Bù Gia Mập đang ở mức báo động với gần 600 ca, tăng 68,7% so với cùng kỳ, chiếm 60% số ca mắc toàn tỉnh và cao nhất toàn quốc.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập Phạm Văn Triều nhận định nguyên nhân số ca mắc sốt rét tăng là do người dân sống ở các vùng sâu, vùng xa, gần các cánh rừng điều, cao su chưa ý thức tốt về biện pháp phòng chống sốt rét. Người dân chủ quan trong công tác phòng chống, quản lý ca bệnh cũng như điều trị, chống tái phát lây lan.
Theo bác sỹ Ngô Hoàng Long, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Phó Trưởng Ban điều hành Dự án phòng chống sốt rét đánh giá, qua các nghiên cứu cho thấy, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện tại Bình Phước.
Một số loại thuốc được dùng để điều trị sốt rét đã bị giảm hiệu lực điều trị. Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc có khả năng lan rộng ra nhiều nơi, gây trở ngại cho công tác phòng, chống, loại trừ sốt rét và hạn chế những thành quả của việc phòng, chống, loại trừ sốt rét trên địa bàn tỉnh.
Bác sỹ Long còn cho biết, Bình Phước hội tụ vùng sốt rét lưu hành nặng với trên 88% số dân sống trong vùng sốt rét lưu hành vừa và nặng. Tình hình dân di cư biến động, đi rừng ngủ rẫy, làm theo mùa vụ, khai thác nông-lâm-thủy sản còn rất phức tạp và khó kiểm soát.
Tỉnh đã ghi nhận ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị tại một số địa bàn. Muỗi truyền bệnh sốt rét có mật độ khá cao tại một số điểm trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, người dân chủ quan, chưa thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt rét theo khuyến cáo của ngành Y tế, chưa tuân thủ liệu trình điều trị, các biện pháp phòng lây truyền bệnh ra cộng đồng khi bị bệnh.../.