Theo phóng viên TTXVN tại Italy, tại Hội thảo quốc tế về Y học tích hợp, các liệu pháp chăm sóc tự nhiên và cổ truyền, khoa học thực vật diễn ra tại thành phố Milan, miền Bắc Italy, trong các ngày 12-13/8, nhóm tác giả Việt Nam thuộc dự án nghiên cứu sản phẩm phòng và điều trị huyết khối từ thảo dược đã được mời trình bày báo cáo.
Báo cáo của đoàn Việt Nam cho biết các tác giả thuộc dự án đã thực hiện 5 nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật thực nghiệm.
Những kết quả cho thấy sản phẩm không chỉ an toàn, có tác dụng ngăn ngừa hình thành và làm tan cục máu đông theo nhiều cơ chế, mà đặc biệt còn có tác dụng đối với bệnh lý nhồi máu cơ tim.
Những kết quả nghiên cứu sản phẩm cho thấy tiềm năng ra đời một loại thuốc an toàn và hiệu quả trong phòng và điều trị các vấn đề liên quan huyết khối, trong đó có nhồi máu cơ tim.
Dự án nghiên cứu cũng cho thấy vai trò của y học cổ truyền và các sản phẩm thảo dược Việt Nam có thể giải quyết được những vấn đề khó trong y học và được những người tham dự hội thảo quan tâm.
Nghiên cứu bắt nguồn từ một sản phẩm của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương và được thực hiện các nghiên cứu sâu hơn trên động vật thực nghiệm cũng như trên lâm sàng tại Trung tâm dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội.
Một bài báo quốc tế về tác dụng của thuốc mới đối với việc phòng bệnh nhồi máu cơ tim trên động vật thực nghiệm đã được đăng tải trên Science Direct vào tháng 8/2023.
Công ty Sao Thái Dương là doanh nghiệp khoa học công nghệ có 14 bằng độc quyền sáng chế. Sản phẩm gần đây nhất là Sunkovir - thuốc thảo dược điều trị COVID-19 và các virus lây lan qua đường hô hấp, cúm mùa.
Sản phẩm này là phương thuốc thảo dược đầu tiên được chứng minh an toàn hiệu quả và được cấp phép với chỉ định điều trị các bệnh do virus lây truyền qua đường hô hấp (cúm, COVID-19 thể nhẹ).
Ba nghiên cứu lâm sàng của sản phẩm đã được đăng tải trên pubmed và hơn 700 bài báo quốc tế khác đưa tin.
Công trình nghiên cứu này cũng đã gây tiếng vang tại hội thảo nghiên cứu thuốc mới Pharma R&D diễn ra vào tháng 2/2024 tại Boston, Mỹ và đạt giải nhì Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotech).
Tại hội thảo ở thành phố Milan, những người tham dự đã nghe hơn 30 báo cáo của các tác giả thuộc 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Anh, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Các diễn giả đã trình bày những nghiên cứu từ phòng thí nghiệm tới ứng dụng các dược liệu trong chăm sóc y học, ứng dụng công nghệ số trong nghiên cứu thực vật, dược liệu và y học.
Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều người, trong đó có giới khoa học, doanh nghiệp và người dân quan tâm, tin tưởng các sản phẩm thảo dược trong nền y học thế giới.
Hồi tháng 8/2023 hội nghị cấp cao toàn cầu về Y Học cổ truyền đã được tổ chức lần đầu tiên tại Ấn Độ trong khuôn khổ Hội nghị các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Chiến lược phát triển y học cổ truyền toàn cầu giai đoạn 2025-2034 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được thảo luận tại hội nghị, chỉ rõ rằng “y học cổ truyền cần có mặt, được tiếp cận và lựa chọn sử dụng song hành cùng với y học hiện đại ở tất cả các cơ sở y tế.”
Điều này phần nào khẳng định vai trò quan trọng của y học cổ truyền trong nền y học thế giới và trong việc chăm sóc sức khỏe người dân đặc biệt là việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu.
Việc kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại mang lại lợi ích toàn diện cho sức khoẻ con người. Đặc biệt điều này được thể hiện rõ nét hơn sau đại dịch./.
Đẩy mạnh phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam trong giai đoạn mới
Kết luận của Ban Bí thư nêu rõ tăng cường đầu tư đào tạo, phát triển lương y, lương dược từ Trung ương đến địa phương; phát triển hệ thống khám chữa bệnh y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại.