Y tế cơ sở: Ký xong quyết định, bác sỹ 'lặn tăm'

Những năm qua, chúng tôi đã tuyển bác sỹ đi học để nâng cao trình độ. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế đã ký quyết định rồi nhưng họ thậm chí không đến lấy cả quyết định.
Y tế cơ sở: Ký xong quyết định, bác sỹ 'lặn tăm' ảnh 1Bác sỹ khám bệnh cho bệnh nhân nhi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoàng Su Phì. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

“Những năm qua, chúng tôi đã tuyển bác sỹ đi học để nâng cao trình độ. Tuy nhiên, thật đáng buồn bởi nhiều bác sỹ sau khi học xong, được phân công về công tác ở các huyện như Mèo Vạc, Đồng Văn, Giám đốc Sở Y tế đã ký quyết định rồi nhưng họ thậm chí không đến lấy cả quyết định. Còn tại bệnh viện tỉnh, phân bác sỹ về khoa truyền nhiễm cũng không làm…

Đó là những nỗi niềm canh cánh về bổ sung hay nâng cao trình độ chuyên môn y tế cho vùng cao…”

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang Lương Viết Thuần chua xót kể lại khi đoàn công tác của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) có đợt làm việc với Sở Y tế, một số huyện nghèo các tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang về thực trạng công tác nhân lực tại y tế cơ sở ở các huyện nghèo.

Theo ông Thuần thực trạng thu hút nguồn nhân lực về y tế cơ sở, nhất là những vùng khó khăn vẫn còn những khoảng trống khó có thể lấp đầy.

Ký xong quyết định, bác sỹ “lặn tăm”

Một bức tranh hệ thống y tế cơ sở thoạt nhìn tưởng như một thành trì vững chãi, kiên cố, bởi trên toàn quốc có tới hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn… tuy nhiên đi sâu vào tìm hiểu thực tế mới thấy một câu chuyện rất lo ngại khi nguồn nhân lực chất lượng cao ở tuyến này luôn trong tình trạng chấp chới…

[Mega Story] Những vấn đề 'nóng' của ngành y tế trên nghị trường

Tại tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, bài toán về nguồn nhân lực tuyến cơ sở, nhất là những vùng khó khăn, vùng giáp biên giới đang có một thực tế các bác sỹ được đào tạo về tuyến cơ sở xong thì viết đơn xin thôi việc, hoặc không đến lấy quyết định. Còn đội ngũ bác sỹ chuyên tu, cử tuyển người địa phương ở tuyến dưới muốn tham gia thi thì không ai đỗ, cánh cửa nguồn nhân lực y tế cơ sở ở những địa phương này dường như đang bao trùm “một màu xám…”

Ở tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang có những huyện xa xôi cách trung tâm tỉnh tới hơn 100 đến 200km, đường đi gập ghềnh, quanh co, khó khăn. Những vùng đó, nhân lực y tế chất lượng cao vẫn còn là bài toán nan giải, những năm qua tỉnh Hà Giang đã cử người đi đào tạo cho cho y tế nhưng đào tạo bao nhiêu cũng vẫn không xuể, nguồn nhân lực luôn trong tình trạng chấp chới, thiếu trước hụt sau tại các huyện nghèo, huyện khó khăn.

Trong chuyến đi khảo sát thực tế về nguồn nhân lực tại một số huyện nghèo các tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, những tâm tư bộc bạch về nhân lực y tế tại hai tỉnh này được các vị lãnh đạo thẳng thắn bày tỏ.

Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Lương Viết Thuần cho hay, tỉnh có 11 huyện thị, nhưng có 7 huyện khó khăn. Tính đến nay, để khắc phục nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở tại các huyện vùng khó khăn, tỉnh đã cử 31 người tham gia dự án bác sỹ trẻ và đang tiếp tục rà soát để cử thêm 20 bác sỹ nữa tham gia dự án này.

Phân tích về nguồn nhân lực y tế, ông Thuần phân trần thêm, ngành y tế của tỉnh Hà Giang còn chịu thêm áp lực vừa tinh giản, thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, với chỉ tiêu chung giảm 10%, bởi vậy toàn ngành y tế tỉnh trong năm nay giảm 126 người. Trung tâm y tế tại huyện Mèo Vạc và Trung tâm y tế tại huyện Đồng Văn vẫn còn chỉ tiêu nhưng không có cơ chế tuyển dụng thêm bác sỹ về những vùng khó khăn, xa xôi hẻo lánh này.

“Đơn cử như, những năm trước chúng tôi đã tuyển bác sỹ đi học theo nhiều chương trình để nâng cao trình độ, nhưng khi học xong, Giám đốc Sở Y tế đã ký quyết định phân đi công tác ở các huyện như Mèo Vạc, Đồng Văn… Bất ngờ là sau đó họ không đến lấy quyết định. Còn tại bệnh viện tỉnh, phân bác sỹ về khoa truyền nhiễm cũng không làm,” ông Thuần chua xót.

“Vùng trung tâm, khi đào tạo xong bác sỹ chuyên khoa 1 hay tiến sỹ, sau khi học xong họ làm đơn nghỉ việc đi Hà Nội. Những năm qua, chúng tôi đã cử đi đào tạo nhưng thật đáng buồn khi đào tạo xong lại mất rất nhiều người…,” vị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang trải lòng.

Chia sẻ về câu chuyện nguồn nhân lực y tế tại huyện vùng cao xa xôi của tỉnh Hà Giang, ông Vũ Mạnh Hà - Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì thẳng thắn, đời sống kinh tế xã hội ở huyện còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, ở xứ ruộng bậc thang này luôn luôn bị chảy máu chất xám, huyện cử người đi đào tạo bao nhiêu cũng không xuể.

“Những năm qua, huyện đã cử đi rất nhiều người để đào tạo, tuy nhiên khi các cán bộ được đào tạo về ngành y xong “đủ lông đủ cánh,” chỉ có một phần nhỏ cán bộ ở lại, còn đa số các nguồn nhân lực y tế theo kinh tế thị trường không đảm bảo đời sống sinh hoạt xin về miền xuôi, về bệnh viện tư, vì vậy y tế công luôn thiếu cán bộ,” ông Hà cho hay.

Ông Vũ Mạnh Hà - Bí Thư huyện ủy Hoàng Su Phì thẳng thắn, tình trạng này đã tồn tại bao nhiêu năm rồi, kể cả tuyến tỉnh. Chính điều này làm cho y tế vùng cao không thể bền vững được. Do vậy, huyện vùng cao cần có sự quan tâm động viên, phối kết hợp từ sở y tế tới Bộ Y tế để đảm bảo sự bền vững và công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao.


Người tận tâm: Mòn mỏi chờ cơ hội

Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Lương Viết Thuần cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực ở y tế cơ sở, tỉnh đã xét chọn 52 y sỹ đi thi bác sỹ, nhưng cũng chỉ đỗ được có 2 người. Vì vậy, công tác đào tạo nhân lực ở các huyện vùng cao đã khó khăn này càng nhân thêm gấp bội. Ba đến 5 năm nữa, bài toán thiếu hụt bác sỹ ở vùng khó khăn vẫn khó có lời giải.

Chia sẻ về những khó khăn tại bệnh viện tuyến huyện, thạc sỹ Vũ Trọng Thành - Giám đốc bệnh viện huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) cho hay, bệnh viện có 60 giường bệnh. Hiện tại, các bác sỹ cùa bệnh viện đã làm được các kỹ thuật như mổ lấy thai lần đầu, cắt u nang buồng trứng, cắt ruột thừa viêm, nối gân...

Điều đáng lưu ý là tại bệnh viện trừ giám đốc (là bác sỹ chính quy), còn lại không có một bác sỹ chính quy nào. Bệnh viện đang có 8 bác sỹ, trong đó có 2 bác sỹ cử tuyển và 6 bác sỹ chuyên tu.

Bác sỹ Thành bày tỏ lo ngại, các bác sỹ của bệnh viện đều là bác sỹ chuyên tu, họ không được đi học bổ sung tay nghề thì chất lượng không thể nâng cao lên được.

Y tế cơ sở: Ký xong quyết định, bác sỹ 'lặn tăm' ảnh 2Lãnh đạo ngành y tế kiểm tra sổ khám chữa bệnh tại một trạm y tế xã. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Chúng tôi muốn bác sỹ đi học cũng vô cùng khó khăn. Bệnh viện muốn cho các bác sỹ đi học, cho đi thì không có ai làm mà đi học xong lại sợ họ bỏ đi bất cứ lúc nào. Bài học trước đó cho thấy, bệnh viện có 2 bác sỹ, đi học được bổ sung và nâng cao tay nghề xong họ về viết đơn xin nghỉ việc,” bác sỹ Thành trải lòng.

Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai Dự án “Thí điểm đưa Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn” (ưu tiên 62 huyện nghèo). Dự án đã tổ chức khai giảng 11 khóa (tại các trường đại học: Y Hà Nội, Y- Dược Huế, Y- Dược Hải Phòng) với số lượng 242 bác sỹ. 14 bác sỹ khóa 1 và 2 đã được bàn giao cho 12 huyện nghèo thuộc tám tỉnh miền núi phía Bắc.

Kết quả kiểm tra, đánh giá sau bàn giao cho thấy các bác sỹ đã thực hiện tốt các kỹ thuật theo chương trình đào tạo; hỗ trợ và thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa khác mà bệnh viện tuyến huyện chưa triển khai do thiếu nhân lực. Đồng thời chuyển giao kỹ thuật và tham gia tập huấn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho đồng nghiệp tại huyện nghèo, qua đó nhiều người bệnh được cứu sống hoặc không phải chuyển tuyến.

Bác sỹ Vũ Trọng Thành chia sẻ, nhu cầu bác sỹ của bệnh viện rất cấp thiết. Tuy nhiên, theo các tiêu chí của Dự án thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo (Dự án 585) của Bộ Y tế rất khó khăn cho cơ sở. Bởi tiêu chí của dự án là chọn bác sỹ được đào tạo chuyên khoa I theo hình thức cầm tay chỉ việc “một thầy một trò” là phải tốt nghiệp bác sỹ chính quy, nhưng thực tế tại huyện Lâm Bình hiện nay không có một bác sỹ chính quy nào để cử đi.

Bác sỹ Nguyễn Văn Thắng – Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) bộc bạch, trung tâm hiện nay quản lý gồm có 2 phòng chức năng và 22 trạm y tế xã thị trấn. Tại tuyến xã, 21 trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh ban đầu. Về công tác tổ chức, tại trung tâm có 140 cán bộ, trong đó có 109 người ở các xã, trong đó có 48 người đang tham gia đào tạo. Số lượng y sỹ trong huyện nhiều, có 40 y sỹ.

Ông Thắng đề xuất và kiến nghị cần có chính sách thu hút ưu đãi đối với các bác sỹ về công tác tại vùng sâu, vùng khó khăn. Đặc biệt, cần có chế độ đào tạo với bác sỹ liên thông, bởi thời gian qua toàn bộ các bác sỹ liên thông trên địa bàn huyện dự thi và xét tuyển không đỗ trường hợp nào để đi học nâng cao chuyên môn hệ đại học.

Gạn đục khơi trong

Trên phạm vi cả tỉnh Hà Giang, Giám đốc Sở Y tế Lương Đức Thuần cho hay hiện có 34 bác sỹ được đi đào tạo theo dự án 585, chiếm 1/10 hơn 300 bác sỹ trẻ của Hà Giang, nhưng mới chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu.

“Nếu như đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác thì chỉ 2-3 năm, các bác sỹ quay trở về Trung ương thì Mèo Vạc vẫn là Mèo Vạc, Hoàng Su Phì vẫn là Hoàng Su Phì, vì vậy, Sở Y tế tỉnh rất mong muốn Dự án hướng tới lấy bác sỹ của địa phương để đào tạo, sau đó họ quay về địa phương. Đây là cách để đầu tư bền vững hơn, vì họ đang sinh sống và làm việc ngay tại địa phương, có thể gắn bó lâu dài với bệnh viện. Đề nghị tiếp tục hỗ trợ đào tạo liên thông ở huyện nghèo. Đào tạo bao nhiêu cũng không xuể”, ông Lương Đức Thuần chia sẻ.

Y tế cơ sở: Ký xong quyết định, bác sỹ 'lặn tăm' ảnh 3Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoàng Su Phì. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Vũ Mạnh Hà - Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của Giám đốc Sở Y tế Hà Giang. Ông cho rằng hiện nay, tuyến y tế cơ sở gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm người quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng, Dự án cần đào tạo người địa phương để họ quay trở lại địa phương.

“Lĩnh vực y tế là lĩnh vực giữ người khó nhất. Đặc biệt, công tác an sinh mà không tốt thì càng dễ chảy máu chất xám”, ông Vũ Mạnh Hà nói.

Về việc đưa các bác sỹ của địa phương tham gia vào dự án bác sỹ trẻ tình nguyện của Bộ Y tế, bác sỹ Tạ Tiến Mạnh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, cũng cho biết, việc lo lắng bác sỹ chuyên tu sau khi được đào tạo chuyên khoa 1 theo Dự án không làm được việc là không đúng, vì thực tế nhiều người có tâm huyết, họ làm rất tốt và đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân ngay tại địa phương.

Bác sỹ Mạnh cũng kiến nghị đề án đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa nên mở rộng đối tượng đã được tuyển dụng ở tuyến huyện và huyện nghèo là các bác sỹ liên thông. Những bác sỹ này đã ở các địa phương nên sẽ gắn bó lâu dài với nơi đây. Còn các bác sỹ chính quy sau khi học xong 6 năm họ sẽ không về huyện nghèo. Nếu cứ để các bác sỹ cử tuyển hay chuyên tu “thi thẳng tưng” thì vô cùng khó, nếu họ được lựa chọn được đào tạo vào dự án 595 thì đây là một lối ra vững chắc cho y tế cơ sở, để họ yên tâm công tác lâu dài.

Mở thêm bao nhiêu bệnh viện cũng không đủ

Y tế cơ sở hiện nay được xác định giữ vai trò đảm bảo công bằng và hiệu quả cao nhất. Y tế cơ sở là xương sống của hệ thống y tế.

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cũng chỉ rõ, có một thực tế đang tồn tại là cơ cấu nhân lực không hợp lý. Đó là sự mất cân đối giữa tuyến trên và tuyến dưới, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Dân số ở nông thôn chiếm 2/3 còn dân số ở thành thị chiếm 1/3. Việc nguồn nhân lực chất lượng cao tập trung nhiều ở tuyến trên, gặp không riêng ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam tình trạng này tồn tại dai dẳng nhiều năm qua. Mặc dù những năm qua có nhiều biện pháp được triển khai nhưng không đạt được nhiều kết quả như mong muốn.

“Tình hình kinh tế xã hội mấy năm gần đây đã giữ chân được một số bác sỹ ở tuyến xã. Trước kia, mấy năm trươc khi chúng tôi lên một số tỉnh vùng cao, khi mà năm trước lên đến năm sau lên không thấy nhân viên bác sỹ làm việc, bất chợt thì sau khi đi kiểm tra ở bệnh viện K thì thấy các anh chị ấy sau khi đi học chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 sau khi cống hiến đủ thời gian quy định họ đều tìm cách quay trở về thành phố.

Hỏi họ tại sao? Họ bảo ở trên này với đồng lương như vậy không đủ chi trang trải cho con cái và gia đình, đó là điểm bất cập chúng tôi thấy rằng tại sao mất cân đối trong phân bổ nguồn lực và vì sao nguồn nhân lực cứ tập trung ở thành thị trong khi nông thôn chiếm 2/3 dân số và tỷ lệ nguồn nhân lực chất lượng cao rất thấp, như vậy nó không phù hợp. Vì vậy, ngành y tế và chính quyền các địa phương cần có những giải pháp, chiến lược lâu dài để khắc phục tình trạng này để nâng cao chất lượng thực sự cho y tế tuyến cơ sở,” bà Hằng phân tích.

Theo phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng, hiện nay trong bối cảnh tình hình mới, những thách thức như bệnh không lây nhiễm bên cạnh bệnh mạn tính, già hóa dân số thì nếu không làm tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu thì có xây bao nhiêu bệnh viện cũng không làm sao chứa hết được bệnh nhân, bởi mô hình bệnh tật thay đổi, thay vì bệnh truyền nhiễm bây giờ là bệnh không lây nhiễm.

“Gánh nặng bệnh tật này nếu không được phát hiện từ tuyến y tế cơ sở thì nó sẽ để lại hậu quả rất lớn, khi người dân đến bệnh viện đã nặng khi đó chi phí y tế cao. Với một thu nhập bình thường sau một cơn ốm nặng, cơn bạo bệnh có thể từ một người thu nhập bình thường trở thành người nghèo. Tôi có thể khẳng định hệ thống bệnh viện không thể xử lý được mà phải là hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu,” phó giáo sư Hằng nhấn mạnh.

Ưu tiên từ gốc…

Hiện nay, tại 62 huyện nghèo của cả nước, đang thiếu khoảng 600 bác sỹ, Bộ Y tế đang triển khai dự án đào tạo bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại những này và đang có những hiệu quả bước đầu.

Tại nhiều bệnh viện tuyến huyện, các bác sỹ trẻ về công tác như… đã nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, theo ông Tác, biện pháp lâu dài vẫn là lấy người cơ sở làm gốc. Trước những đề xuất trên của tuyến y tế cơ sở về xét tuyển ưu tiên đối tượng liên thông tại các vùng sâu, vùng xa, Bộ Y tế sẽ xem xét sửa đổi đối với các đối tượng là người của địa phương có nguyện vọng và đủ sức học tập, Bộ Y tế sẽ chấp nhận đây sẽ là ưu tiên quan trọng.

Ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) kiêm Giám đốc Dự án 585 cho biết, không riêng gì Hoàng Su Phì và Mèo Vạc, còn rất nhiều các huyện khó khăn khác trên cả nước ngay cả đường đi cũng đã khiến người dân rất vất vả. Nếu vận chuyển bệnh nhân trên đường ra đến tỉnh, thì tỷ lệ tử vong rất cao.

Chính vì vậy, việc đào tạo “nhân lực tại chỗ” để phục vụ người dân là rất quan trọng. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các bệnh viện, vì có những cái không thể tuyệt đối, đúng là có những bác sỹ chuyên tu cũng rất giỏi chuyên môn. Dự án sẽ xem xét lại tiêu chí này trong thời gian tới, khi đó sẽ chọn các bác sỹ chuyên tu xuất sắc để đào tạo, ông Phạm Văn Tác chia sẻ.

Y tế cơ sở có thể được ví như như một chiếc kim tự tháp, phần gốc thì to và bề thế. Nhưng trái ngược với vẻ bề ngoài bề thế ấy, nguồn nhân lực nằm trong gốc của chiếc kim tự thấp ấy thì mỏng, yếu. Nếu không có sự bổ sung và củng cố kịp thời thì cái gốc ấy có thể bị mục ruỗng và sụp đổ. Vì vậy, trong tình hình mới việc đầu tư nguồn nhân lực cho y tế cơ sở cần có những hướng đi thiết thực và hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục