Y tế cơ sở: Vì sao “người gác cổng” chưa làm tròn được nhiệm vụ?

Hiện nay trên toàn quốc có gần 10.000 trạm y tế tuyến xã nhưng phần lớn người dân vẫn trong tình trạng thờ ơ với y tế tuyến cơ sở vì chưa tin tưởng.
Y tế cơ sở: Vì sao “người gác cổng” chưa làm tròn được nhiệm vụ? ảnh 1Bác sỹ Trạm y tế xã thăm khám cho các bệnh nhân đến điều trị. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn, mặc dù hệ thống y tế cơ sở đã có nhiều thay đổi nhưng người dân vẫn chưa tin tưởng.

Thực tế cho thấy, số lượt khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chiếm trên 70% tổng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong khi chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí.

[Bộ Y tế nói gì trước thông tin giá viện phí cao gấp 100 lần thực tế?]

Ngược lại số lượt khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương chiếm chưa đến 30% tổng số lượt nhưng chi phí lại chiếm gần 70% tổng chi phí.

Đó là những nghịch lý đưa ra tranh luận, thảo luận sôi nổi tại Hội nghị trực tuyến “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến y tế cơ sở,” do Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức diễn ra sáng nay tại nhiều điểm cầu trên cả nước.

“Người gác cổng” quan trọng

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, y tế cơ sở là tuyến y tế ban đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đây là tuyến y tế gần dân, sát dân nhất, giúp cho việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của người dân được thuận tiện, đỡ tốn kém, đặt biệt là khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất.

Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai có hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số-kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh thông thường, truyền thông giáo dục sức khỏe.

Bộ trưởng Tiến chỉ rõ: “Hiện nay, nhiều trạm y tế xã bước đầu đã triển khai có hiệu quả việc quản lý, điều trị một số bệnh mạn tính không lây (tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch), một số loại bệnh truyền nhiễm (lao, HIV/AIDS) và phục hồi chức năng.”

Y tế cơ sở: Vì sao “người gác cổng” chưa làm tròn được nhiệm vụ? ảnh 2Đại diện Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ tọa hội nghị trực tuyến. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để đảm bảo cho y tế tuyến cơ sở thực hiện tốt chức năng của mình, các nước trên thế giới đã rất quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Kinh nghiệm thế giới cho thấy đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu có hiệu quả hơn nhiều lần so với việc đầu tư cho kỹ thuật cao ở tuyến trên.

Như vậy, vai trò của y tế cơ sở đã được cộng đồng quốc tế và các nước trên thế giới công nhận là tuyến đầu và được coi như là người “gác cổng” trong hệ thống y tế.

Đặc biệt, Nghị quyết số 20 xác định y tế cơ sở là nền tảng, phương châm của xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.

Y tế cơ sở: Vì sao “người gác cổng” chưa làm tròn được nhiệm vụ? ảnh 3

Số lượt khám chữa bệnh và khi phí quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh nhân bảo hiểm y tế trong ba năm qua. (Nguồn: Bộ Y tế)

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng dần qua các năm, từ 130 triệu lượt năm 2015 đến 147 triệu lượt năm 2016 và 150 triệu lượt năm 2017. Cùng với đó, chi phí do quỹ bảo hiểm y tế chi trả tương ứng là trên 47.000 tỷ đồng (2015), 68.000 tỷ đồng (2016), 88.000 tỷ đồng (2017).

Nhưng còn nhiều khiếm khuyết…

Theo thống kê, hiện nay, có khoảng 80% người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở (tuyến huyện là 47%, tuyến xã là 33%), 20% đăng ký tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương.

Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nguyễn Thị Minh bày tỏ sự đồng tình với Bộ trưởng Bộ y tế về thực tế chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở vẫn là vấn đề phải “đau đầu” suy nghĩ. Bởi hệ thống y tế cơ sở là người "gác cổng" trong hệ thống y tế, giúp người dân giảm chi từ tiền túi nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này. 

Bà Minh dẫn chứng: “Hiện nay trên toàn quốc có gần 10.000 trạm y tế tuyến xã nhưng người dân thờ ơ với y tế tuyến xã vì người bệnh chưa tin tưởng nhân viên y tế tuyến xã. Nếu như năm 2014, tỷ lệ người dân khám chữa bệnh tại tuyến xã là gần 30% thì năm 2017 chỉ còn gần 20% và 6 tháng đầu năm chỉ còn 18%.”

Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến đưa ra cho thấy, còn nhiều vấn đề và những hạn chế đã làm cho chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu và làm cho người dân chưa tin tưởng và vượt lên các tuyến trên để khám chữa bệnh gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức và các chi phí xã hội khác.

Y tế cơ sở: Vì sao “người gác cổng” chưa làm tròn được nhiệm vụ? ảnh 4Bảng giá một số dịch vụ tại Trạm y tế xã Hải Châu, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Đó là hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng, các dịch vụ chuyên môn trong khám chữa bệnh còn hạn chế, nguồn kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế cho trạm y tế tuyến xã chưa đảm bảo.

Theo khảo sát của Viện chiến lược chính sách y tế (Bộ Y tế), tình trạng khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc tại nhiều trạm y tế xã còn bất cập. Đây có thể thấy là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến người dân không lựa chọn trạm y tế xã làm nơi khám chữa bệnh.

Đề xuất bỏ quy định khống chế tỷ lệ 20%

Theo quy định hiện nay, quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được sử dụng tại trạm y tế tuyến xã tối đa chỉ bằng 20% quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoại trú.

Ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, trong giai đoạn 2010-2014, số lượt khám chữa bệnh tại tuyến xã tăng qua các năm với tỷ lệ gia tăng bình quân là 4%; tuy nhiên, từ khi thực hiện chính sách thông tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (năm 2015) số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã có xu hướng giảm.

Để tăng cường hiệu quả công tác khám chữa bệnh tại y tế cơ sở, bên cạnh việc tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, nhân lực, ông Phúc cho rằng cần có cơ chế tài chính linh hoạt đối với y tế cơ sở. Kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện nay được xác định bằng 10 -20% quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của số thẻ bảo hiểm y tế đăng ký ban đầu tại trạm y tế xã.

Y tế cơ sở: Vì sao “người gác cổng” chưa làm tròn được nhiệm vụ? ảnh 5Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra tại Trạm y tế xã Hải Châu, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

“Đối với các trạm y tế xã có nguồn nhân lực tốt, người bệnh đến khám đông hoặc thực hiện quản lý bệnh mạn tính (như tiểu đường, tăng huyết áp) thì nguồn kinh phí này khó đáp ứng được. Chính vì vậy, cần có cơ chế tài chính phù hợp với từng trạm y tế xã theo năng lực cung cấp dịch vụ y tế, số lượng người bệnh bảo hiểm y tế đến khám chữa bệnh,” ông Phúc phân tích.

Thừa nhận những điểm còn tồn tại trong công tác khám chữa bệnh y tế tuyến cơ sở, người đứng đầu ngành y tế cho hay, để tăng cường khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến ban đầu này, thời gian tới ngành y tế sẽ chú trọng đổi mới cơ chế chi trả khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã. 

“Cụ thể, ngành y tế sẽ không quy định tỷ lệ quỹ bảo hiểm y tế được sử dụng tại trạm y tế xã như quy định hiện nay. Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 105 trong đó bỏ quy định khống chế tỷ lệ 20% quỹ khám chữa bệnh ngoại trú cho tuyến xã. Triển khai thực hiện phương thức thanh toán theo định suất tại tuyến y tế cơ sở để đảm bảo tăng cường hiệu quả sử dụng quỹ bảo hiểm y tế,” Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ.

Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của trạm y tế xã theo mô hình chuẩn; hoàn thiện bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế.

Về công nghệ thông tin, Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng thống nhất 1 phần mềm áp dụng tại trạm y tế xã đảm bảo quản lý thông tin của các hoạt động chuyên môn với quản lý hồ sơ sức khỏe để nâng cao hiệu quả hoạt động của trạm y tế xã và giảm tải khối lượng công việc hành chính cho cán bộ y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục