Nằm ở độ cao 1.400m, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, không chỉ được biết đến với khí hậu trong lành, mát mẻ mà còn là nơi có những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Một ngày giữa mùa Thu tháng Chín này, chúng tôi tới thăm bản Pang Cáng, xã Suối Giàng, gặp ông Giàng A Tếnh để được nghe kể về sự tích những cây chè Shan tuyết cổ thụ. Tục truyền, từ thuở chưa có sự sống, có một nàng tiên bay khắp thế gian gieo hạt sự sống, đến vùng núi cao này, hạt giống đã hết, chỉ còn vài hạt thuốc quý, nàng bèn rắc xuống.
Chẳng bao lâu sau, những hạt ấy nảy mầm và mọc thành cây xanh tốt với tán cây rộng, lá xanh ngắt, còn búp cây ngậm sương trắng như tuyết. Từ đó, người ta tin rằng giống chè này quý giá như một vị thuốc và là báu vật của người Mông ở Suối Giàng.
Cho đến nay, những cây chè cổ thụ ở Suối Giàng luôn gắn liền với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực và nét văn hóa độc đáo, riêng biệt của đồng bào dân tộc Mông. Có thể khẳng định rằng, giá trị của cây chè cổ thụ ở Suối Giàng không chỉ dừng lại ở hương vị đặc biệt của một loại đồ uống mà nó còn mang theo trong đó cả dư vị về thời gian, những tinh túy của đất rừng, thiên nhiên và con người Mông nơi đây.
Ông Giàng A Tếnh năm nay đã 60 tuổi. Dẫn chúng tôi ra đồi chè, ông tự hào cho biết, chè Suối Giàng không chỉ là những thân cây chè to mà điều làm nên huyền thoại Suối Giàng chính là tên gọi “Shan tuyết” riêng có. Shan - theo nhiều người chỉ là cách đọc của “Sơn” - tức là núi, tức là chè được nuôi dưỡng bằng tất cả tinh túy của trời đất, được ngậm tuyết của vùng non cao. Búp chè có lông tuyết nên gọi là chè tuyết. Khác với các loại chè khác, khi sao khô lông tơ trắng ra như bám một lớp tuyết trên búp chè.
[Yên Bái: Nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra tại Lễ hội Trà Shan tuyết]
Ông Tếnh chia sẻ thêm vì là chè tự nhiên nên cây rất cao, khi thu hái phải trèo lên cây, mỗi năm chỉ phát cỏ 2 lần, năng suất so với chè khác là thấp hơn vì người dân không phun thuốc, không bón phân. Cây chè mọc tự nhiên như thế nào, lá được thu hái như thế. Ngày xưa, người dân chỉ thu hái bán chè tươi, nhưng những năm gần đây đã chế biến được một số loại như trà xanh, một số hộ còn chế biến được hồng trà, diệp trà…
Thống kê của huyện Văn Chấn, trên địa bàn xã Suối Giàng hiện có trên 500ha chè Shan tuyết đang được thu hái ổn định, trong đó có hơn 300ha là những cây chè trên 100 năm tuổi với năng suất khoảng 620 tấn búp chè tươi/năm, giúp người dân có thu nhập từ 12-15 tỷ đồng/năm.
Cây chè cổ nhất Suối Giàng có tuổi thọ trên 400 năm tuổi, được người dân gọi là cây chè tổ. Đặc biệt hơn, những cây chè cổ thụ này còn được các nhà khoa học xác định là thủy tổ của cây chè thế giới. Cùng với đó là quần thể 400 gốc chè cổ thụ trên 100 năm tuổi mọc tập trung ở 4 thôn của xã là Giàng A, Giàng B, Pang Cán và Bản Mới đang được hàng trăm hộ dân quản lý, chăm sóc. Quần thể 400 cây chè cổ thụ này được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào năm 2016.
Trà Shan tuyết Suối Giàng xưa nay được xếp vào hàng “đầu bảng” trong các loại chè ở Việt Nam. Được bà con nơi đây gọi là chè “ngũ cực.” Đó là “cực khổ” - khi trồng và thu hái; “cực sạch” - vì những điều kiện khí hậu, môi trường và cả công chăm sóc; “cực hiếm” - vì sản lượng ít; “cực ngon” - với đủ các phẩm chất đỉnh cao mà mỗi chén trà phải có như hương thơm, vị đậm, nước xanh và cuối cùng là "cực đắt”…
Ông Đặng Thái Sơn, Quản lý Không gian Văn hóa Chè Suối Giàng, chia sẻ trà Shan tuyết được xác định là một trong những sản phẩm du lịch của Suối Giàng, đây là sản phẩm kinh tế mũi nhọn của xã và cũng là sản phẩm du lịch chủ đạo. Do vậy, địa phương xác định kết hợp song song giữa việc phát triển du lịch và bảo tồn chè; từ đó coi việc tổ chức các hoạt động quảng bá, các sự kiện về lễ hội chè cũng chính là để thu hút phát triển du lịch đối với Suối Giàng.
Những năm gần đây, để nâng cao giá trị của cây chè Shan tuyết, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP từ chè. Xã Suối Giàng có sự đầu tư rất mạnh mẽ và quy mô nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, nhất là đối với những điểm du lịch cộng đồng và kinh doanh dịch vụ, hướng tới các dịch vụ du lịch xanh, bản sắc, cùng với các hoạt động du lịch trải nghiệm, thưởng trà, khám phá văn hóa địa phương tạo thành một không gian văn hóa trà.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lường Văn Tâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, cho biết thời gian tới, huyện tiếp tục quản lý, bảo tồn thật tốt những diện tích vùng chè, nguyên liệu trà Shan tuyết hiện có. Hằng năm, địa phương khuyến khích người dân trồng mới, trồng dặm để mở rộng diện tích chè. Người dân cũng quan tâm chăm sóc thật tốt để cây chè sinh trưởng, phát triển, cho sản lượng và chất lượng tốt hơn, từ đó đời sống của bà con được cải thiện.
Hiện nay, người dân Suối Giàng đã biết phát triển kinh tế từ cây chè, làm ra sản phẩm chè quý để đưa ra thị trường. Đặc biệt bà con biết làm những sản phẩm được chứng nhận, công nhận sản phẩm OCOP, từ đó nâng cao giá trị trà Shan tuyết. Tại xã Suối Giàng đã có những cơ sở sản xuất chế biến và có cả công ty sản xuất chế biến chè được thành lập để cung ứng những sản phẩm tốt ra thị trường, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài, ông Lường Văn Tâm thông tin thêm.
Nhằm tôn vinh, tạ ơn trời đất đã ban cho vùng đất Suối Giàng có những vùng chè Shan tuyết cổ thụ, giúp đời sống của người dân ổn định, kinh tế phát triển từ cây chè, ngày 22/9 tới, huyện Văn Chấn sẽ tổ chức Lễ hội Trà Shan tuyết năm 2023.
Đây là dịp để giới thiệu các sản phẩm trà Shan tuyết, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương; đồng thời quảng bá hình ảnh trà Shan tuyết đến du khách gần xa, kích cầu phát triển du lịch, kinh tế địa phương./.