Yêu cầu điều chỉnh quy hoạch dự án cầu cảng xăng dầu ở đầm Thị Nại

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đã yêu cầu Sở Xây dựng Bình Định khẩn trương điều chỉnh quy hoạch khu cảng xăng dầu trên đầm Thị Nại sau khi kiểm tra hiện trường vụ lấp đầm Thị Nại.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng yêu cầu UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch, xóa bỏ cảng xăng dầu trên đầm Thị Nại. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Ngày 28/9, sau khi trực tiếp kiểm tra hiện trường vụ việc Công ty cổ phần Xăng dầu Bình An ngang nhiên lấp đầm Thị Nại, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) để thực hiện Dự án khu cảng xăng dầu, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đã yêu cầu Sở Xây dựng Bình Định khẩn trương tham mưu, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh điều chỉnh quy hoạch khu cảng xăng dầu.

Tỉnh sẽ có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương về vấn đề này.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng, việc xây dựng khu cảng xăng dầu gây ô nhiễm cả đầm Thị Nại và ảnh hưởng lớn đến môi trường du lịch của thành phố Quy Nhơn. Nơi đây chỉ phù hợp xây dựng cảng dịch vụ tổng hợp bởi cầu cảng phải nằm sát bên trong bờ đầm để bảo vệ cảnh quan và môi trường.

[Bình Định: Phạt 300 triệu đồng doanh nghiệp đổ đất đá lấp đầm Thị Nại]

Dự án khu cảng xăng dầu và kho bãi tổng hợp Bình An do Công ty cổ phần Xăng dầu Bình An làm chủ đầu tư được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định có văn bản cho phép đầu tư từ năm 2014.

Dự án này đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định xin ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương. Theo tiến độ đăng ký, quý 4/2018 dự án mới được triển khai thi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Mặc dù chưa có thiết kế chi tiết và chưa được phê duyệt, chưa có báo cáo tác động môi trường nhưng Công ty cổ phần Xăng dầu Bình An đã huy động phương tiện đổ hàng nghìn m3 đất đá lấp đầm Thị Nại để thực hiện dự án. Việc làm này đã ảnh hưởng đến luồng lạch tàu thuyền ra vào đánh bắt thủy sản, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong dư luận.

Với sai phạm này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định xử phạt 300 triệu đồng, đồng thời buộc Công ty cổ phần Xăng dầu Bình An phải nạo vét toàn bộ khối lượng đất đá đã đổ xuống đầm Thị Nại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục