Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt Đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam,” quá trình thực hiện là từ 2021 đến 2025.
Theo đó, 100% dữ liệu các loại hình lễ hội được số hóa bao gồm các loại hình: Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, lễ hội là một loại hình di sản văn hoá phi vật thể tồn tại ở Việt Nam từ lâu đời, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là sinh hoạt văn hoá gắn bó mật thiết với đời sống của cộng đồng.
Những năm gần đây, Việt Nam thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Trong xu thế này, các hoạt động văn hóa truyền thống trong đó có lễ hội đã được phục hồi, phát huy góp phần bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
"Hiện nay chưa có một Đề án nào ứng dụng công nghệ thông tin về số hóa nên việc quản lý và khai thác tài liệu về lễ hội gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý cũng như khai thác, sử dụng tài liệu phục vụ nhu cầu của các tổ chức và cá nhân. Việc xây dựng Đề án là cần thiết để quản lý, thống nhất chuyên môn hóa về nghiệp vụ lưu trữ trong lĩnh vực lễ hội," Thứ trưởng nêu rõ.
[Phát triển công nghiệp văn hóa, mang lại nguồn thu cho kinh tế Hà Nội]
Đề án sẽ triển khai các nội dung gồm: Điều tra, thống kê các loại hình lễ hội; số hóa, chuẩn hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội; xây dựng, vận hành phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu nhập số liệu điều tra, Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam và bổ sung trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ việc nhập liệu, xử lý, tổng hợp và khai thác cơ sở dữ liệu; đào tạo, tập huấn khai thác sử dụng phần mềm; duy trì, vận hành hàng năm.
Theo kế hoạch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Cục Văn hóa cơ sở kết hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam với yêu cầu “đảm bảo thân thiện, dễ sử dụng, hài hòa về bố cục, tính năng tốc độ truy cập nhanh, phục vụ tối đa nhu cầu của người truy cập và đảm bảo chế độ bảo mật thông tin.”
Đề án được triển khai thực hiện trong thời gian 5 năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I từ 2021-2022, với các nội dung: Điều tra, thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam; đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam; số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội truyền thống.
Giai đoạn II từ 2023-2025 sẽ tiến hành số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài; hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam; đào tạo tập huấn khai thác sử dụng phần mềm; duy trì, vận hành phần mềm hiệu quả.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2019, hiện cả nước có 7,966 lễ hội./.